Khám phá

Lễ hội rước người thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

20/02/2018, 18:19

Lễ hội rước người Tiên Công khai hội và đón bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ ngày 19-22/2

Tái hiện lại nghi thức rước cụ thượng về miếu Tiên

Lễ hội Tiên Công khai hội và đón bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia từ ngày 19-22/2

Sáng 20/2 (tức mùng 5 Tết), tại miếu Tiên Công – xã Quảng La, TX. Quảng Yên (Quảng Ninh) diễn ra lễ hội Tiên Công năm 2018 và đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là lễ hội rước người độc đáo và duy nhất Việt Nam mở đầu cho chuỗi sự kiện năm du lịch Quốc gia 2018 do Quảng Ninh đăng cai tổ chức. 

Đại diện TX.Quảng Yên và xã Quảng La đón nhận bằng

Đại diện TX. Quảng Yên và xã Quảng La đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia 

Chương trình khai hội Tiên Công 2018 diễn ra trong 4 ngày từ 19 đến 22/2 (từ mùng 4 đến 7 Tháng Giêng năm Mậu Tuất) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian phong phú. Đặc sắc nhất là các đoàn rước cụ Thượng bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công mang đậm nét văn hóa Thăng Long nơi cửa biển; các trò chơi dân gian: Cờ người, Tổ tôm điếm, Chơi đu, Hát đúm giao duyên...

Nghi thức rước cụ thượng về miếu Tiên Công

Nghi thức rước cụ thượng về miếu Tiên Công

Theo tục, năm 1434, có 17 vị Tiên Công quê ở P.Kim Liên, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long cùng gia đình đã đến vùng cửa sông Bạch Đằng quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu xã Phong Lưu đảo Hà Nam nay là các phường Phong Cốc, Phong Hải,Cẩm La, thôn Yên Đông (P.Liên Hải), thôn Đồng Cốc, Bến Đò (phường Nam Hòa).

Từ những năm 1620 - 1650, các con cháu Tiên Công đã xây dựng từ đường thờ thủy tổ lập Tiên Công, đồng thời lập miếu thờ 17 vị Tiên Công tại xã Cẩm La và tổ chức tế lễ vào mùng 7 tháng giêng hàng năm. Đến nay, lễ hội Tiên Công gắn bó mật thiết với di tích miếu Tiên Công và các di tích từ đường thờ các thủy tổ dòng họ đã có công đến lập đất và phát triển vùng sông nước Bạch Đằng giang.

Miếu thờ 17 vị Tiên Công khai hoang mở đất

Miếu thờ 17 vị Tiên Công khai hoang mở đất

Lễ hội Tiên Công cũng là dịp con cháu trong gia đình, dòng họ thể hiện lòng ngưỡng vọng, tôn kính với các cụ ông, cụ bà bậc cao niên thượng thọ tuổi 80, 90, 100 tuổi gọi là “cụ Thượng”. Con cháu trong gia đình dòng họ tổ chức nghi thức dẫn thọ, rước thọ, rước người sống, quán trạm con rể đón “cụ Thượng” về miếu Tiên Công lễ tổ; Nghi lễ tế Tiên Công tứ xã. Các biểu trưng trong lễ hội như bàn thờ sống cụ thượng có tàn tre, võng đào cụ thượng có lọng tre, con long mã và tục thờ long mã thần biển, biểu tượng chữ thọ, tranh thọ, câu đối thọ…

Khi các “cụ Thượng” lễ Tiên Công xong, hàng xã mời hai “cụ Thượng” còn khoẻ ra trước cửa miếu Tiên Công làm nghi lễ “vượt thổ” (đắp đê) và thực hiện nghi thức “đánh vật. Đắp đê và đánh vật là nét văn hoá độc đáo, tinh tế của người Thăng Long nơi cửa biển với mong muốn con cháu rèn luyện sức khoẻ, đắp đê, làm thuỷ lợi, chống chọi với mưa bão, triều dâng bảo vệ xóm làng và từ đường hương hoả của tổ tiên.

Miếu Tiên Công

Miếu Tiên Công, xã Quảng La, TX. Quảng Yên (Quảng Ninh) 

Sau lễ hội Tiên Công, nhân dân vùng đảo Hà Nam mới thực sự bước vào các hoạt động của năm mới như: Cày cấy, gieo trồng, mua con giống, ra khơi đánh cá, bồi trúc đê điều, khơi thông mương máng, đi buôn bán… với niềm tin rằng sau Lễ hội Tiên Công, họ đã được phù trợ, tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục sự nghiệp mà các Tiên Công để lại.

Lãnh đạo trung ương và địa phương dâng hương miếu

Lãnh đạo trung ương và địa phương dâng hương miếu Tiên Công

Lễ hội Tiên Công và miếu thờ 17 vị Tiên Công đã trải qua hơn 300 năm gắn liền với sự phát triển của thị xã Quảng Yên, là một nét văn hóa độc đáo thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng như củng cố và nâng cao mối đoàn kết giữa các dòng tộc, họ hàng, các tổ chức chính trị xã hội, mang tính giáo dục đạo lý tốt đẹp trong nhân dân trên địa bàn, từ đó khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn, phát huy bản sắc dân tộc.

Ngày 8/5/2017, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã có quyết định số 1852 công bố và vinh danh lễ hội Tiên Công là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

"Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra cho địa phương vai trò và trách nhiệm to lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản", ông Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch UBND TX. Quảng Yên cho biết. 

Cũng trong ngày, các lãnh đạo tỉnh đã tham gia Tết trồng cây tại TX. Quảng Yên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.