Xã hội

Lễ hội và sự vụ lợi tâm linh

10/02/2017, 11:53

Chức, quyền và sự giàu sang có thể mua được bằng tiền, thì thánh thần và Phật có thể mua được bằng đồ lễ?

8

Cảnh tranh cướp hỗn loạn khi một nhà sư “ném” lộc cho du khách sau khai hội chùa Hương - Ảnh: Tiến Tuấn

Tham gia lễ hội là một nhu cầu quan trọng trong đời sống của không chỉ người Việt. Các nước và các dân tộc trên thế giới đều có hàng nghìn, hàng vạn lễ hội được tổ chức quanh năm. Có mặt trong các lễ hội ấy không chỉ là sự thỏa mãn nhu cầu được hòa mình vào cuộc sống của cộng đồng trên nhiều mặt, mà còn là một dịp để chiêm nghiệm, để được thức tỉnh, được bình an cho riêng mình. Trong xã hội hiện đại, việc tổ chức các lễ hội cũng có thể được nhìn trên một khía cạnh khác nữa, đó là lợi nhuận.

truong anh ngoc

Nhà báo Trương Anh Ngọc

Việc này không xa lạ gì đối với phương Tây, kể cả đối với những Nhà nước như Vatican. Sự thành công của các dịp lễ Thánh đặc biệt, trong đó có những Năm Thánh, được tính cả bằng số lượng người tham dự và doanh thu. Nhưng ngay cả khía cạnh này cũng có giới hạn. Việc thương mại hóa các lễ hội có một chừng mực nhất định để các hoạt động ấy không thể đi quá xa cái đích ban đầu của nó.

Vấn đề là tại sao những lễ hội ấy, nhiều trong số đó rất lớn và được tổ chức từ nhiều thế kỷ nay, không hề xảy ra những chuyện lộn xộn từ đám đông, không có những rắc rối, tranh cãi và các hình ảnh phản cảm nảy sinh như ở ta?.

Bởi, với các lễ hội tôn giáo, người tham gia đến bằng đức tin; Với các lễ hội văn hóa, người ta đến dự bằng thái độ, cách hành xử dựa trên tư duy có văn hóa của người tổ chức.

Còn ở ta, điều gì đã xảy ra, khi những đám đông hàng nghìn người lao vào chen lấn xô đẩy bằng được để lấy những tờ giấy được in ra và gọi là ấn, mê muội mài tiền lên mái chùa Đồng để lấy may và sự phục hồi dày đặc ở các quy mô khác nhau của các lễ hội cấp địa phương. Nhiều trong số đó có những hủ tục dã man với động vật và nhiều hoạt động tín ngưỡng, tâm linh ngày càng trở nên tiêu cực bởi sự biến tướng theo hướng cầu lợi và danh?

Xem thêm video:

Những gì đang diễn ra trong mùa lễ hội là bức tranh phản ánh một phần thực tế xã hội và đời sống văn hóa của người Việt cũng như những vấn đề nghiêm trọng về quản lý và định hướng văn hóa.

Bức tranh ấy cũng thể hiện sinh động sự nghèo nàn và trống rỗng trong đời sống văn hóa của một bộ phận lớn dân chúng.

Việc khôi phục ồ ạt các lễ hội và “quốc doanh” hóa nhiều hoạt động trong đó, luôn được mô tả là để làm sống dậy giá trị văn hóa của quá khứ nếu không loại bỏ những điều tiêu cực hoặc mê tín, sẽ dẫn đến lộn xộn.

Về lâu dài sẽ trở nên không kiểm soát nổi về mặt văn hóa, khi mục tiêu lợi nhuận có thể đạt được, nhưng âm thầm tàn phá một cách ghê gớm nhận thức của nhiều người tham gia lễ hội. Bản thân họ, bị cuốn vào một vòng xoáy bon chen và tìm mọi cách để ngoi lên trong cuộc sống ngày càng trở nên khắc nghiệt vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của tất cả những sự lộn xộn và bát nháo đang diễn ra.

Khi cái gốc về đạo đức bị lung lay, khi lối sống thực dụng và giả dối lên ngôi, những trào lưu chạy quyền chạy chức thành thời thượng, khi những tội lỗi không bị trừng phạt, khi niềm tin vào cuộc sống, vào người xung quanh và tương lai không được đảm bảo hoặc không còn nữa, người ta cảm thấy sợ hãi.

Sợ hãi vì không thành đạt và giàu có, sợ hãi vì sự giàu có và quyền chức của mình có thể bị lấy mất, sợ hãi vì không hạnh phúc, sợ hãi vì không tin rằng bản thân họ và giá trị tự thân của họ có thể đem đến sự thành công và thanh thản… đã đẩy họ đến những hành động theo số đông mà bản thân cũng không thể hiểu nổi. Việc cúng bái, xin lộc, giải hạn trở thành những hoạt động ngày càng tràn lan hơn.

Với nhiều người, chùa chiền đơn giản chỉ là một nơi đến để cầu xin, bởi nếu chức, quyền và sự giàu sang có thể mua được bằng tiền, thì thánh thần và Phật có thể mua được bằng đồ lễ. Việc xin xỏ được thực hiện từ cuộc sống ngoài đời cho đến đời sống tâm linh, với một ý nghĩ đơn giản là ta dâng lên thánh thần thì ta sẽ được lại. Sự trống rỗng trong tâm thức cũng như việc không phân biệt được nhu cầu về tín ngưỡng với mê tín dị đoan đã tạo ra sự lộn xộn hiện nay.

Đến bao giờ, những lộn xộn ấy (cả ở phía nhà quản lí tổ chức và phía người tham gia) mới kết thúc là một câu hỏi lớn, chưa rõ câu trả lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.