Chính trị

Lê Thanh Nghị - người gây dựng phong trào cách mạng ở Hải Dương

06/03/2021, 08:00

Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị từng là người gây dựng lại phong trào cách mạng ở Hải Dương sau thời kỳ đen tối, khó khăn.

img

Đồng chí Lê Thanh Nghị

Mảnh đất giầu truyền thống cách mạng

Hải Dương là tỉnh có phong trào cách mạng đi đầu trong giai đoạn thành lập Đảng (1928 - 1930) khi hệ quả của hai cuộc khai thác thuộc địa do thực dân Pháp tiến hành ở Bắc Kỳ đã đưa đến việc xuất hiện tầng lớp công nhân trong xã hội, trên địa bàn tỉnh Hải Dương nơi có khu mỏ than Mạo Khê (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh – PV) đã sớm xuất hiện tầng lớp công nhân mỏ với số lượng khá lớn, đây chính là hạt nhân tiếp nhận tư tưởng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên sau khi được đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về nước. Đón nhận tư tưởng này, ngay những năm 1926 - 1928, tại Hải Dương đã được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác - Lênin thông qua tài liệu, sách báo cách mạng (trong đó có cuốn Đường cách mệnh) và cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên về hoạt động và gây dựng phong trào.

Đến giữa năm 1929, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đến được tới các làng quê trong tỉnh và hầu hết các huyện đã xây dựng được cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Bằng các hoạt động tích cực của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh được gây dựng, các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ được thành lập ở nhiều nơi nhằm tập hợp lực lượng, đấu tranh và tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng.

img

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương dâng hương dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị

Điểm sáng, đi đầu trong quá trình đấu tranh thành lập tổ chức Đảng

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã thấm nhuần trong mỗi hành động, tinh thần cách mạng của nhân dân Hải Dương, biểu hiện bằng việc đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, công khai trong năm 1929 nhằm kỷ niệm ngày thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga. Ở các huyện Thanh Hà, TP Hải Dương, Mạo Khê... cờ búa liềm được treo ở nhiều nơi, truyền đơn được rải, áp phích được dán ở những nơi công cộng nhằm cổ vũ tinh thần cách mạng các tầng lớp nhân dân, gây được tiếng vang, cơ sở cách mạng được củng cố.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngay sau đó vào cuối tháng 2/1930, tại khu mỏ than Mạo Khê (Đông Triều) đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập Chi bộ Đảng; tháng 3/1930, tại Đọ Xá (Hoàng Tân, Chí Linh) đồng chí Trần Cung thành lập Chi bộ Đảng.

Sự ra đời rất sớm của hai chi bộ Đảng trong năm 1930 đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Hải Dương, thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức giác ngộ chính trị cao và là điểm sáng, đi đầu trong quá trình đấu tranh thành lập tổ chức Đảng.

Những năm 1931 - 1935, khi cách mạng cả nước rơi vào thời kỳ đen tối thì Hải Dương nổi lên là điểm sáng cho tinh thần duy trì phong trào đấu tranh cách mạng thể hiện ở việc ngay sau khi các chi bộ Đảng được thành lập, kẻ thù điên cuồng khủng bố đàn áp, song ngọn lửa cách mạng ở Hải Dương không bao giờ lụi tắt, nó vẫn âm ỉ chờ thời cơ để bùng cháy trở lại.

Năm 1933, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (cán bộ của Đảng) vượt ngục thành công về Hải Dương bắt liên lạc, gây dựng lại phong trào cách mạng. Tại ấp Dọn (Bình Giang), dưới sự nuôi giấu, giúp đỡ của nhân dân địa phương, đồng chí đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, in báo Công nông và gửi truyền đơn cách mạng đi nhiều nơi, móc nối các cơ sở cách mạng, duy trì hoạt động cách mạng trên quê hương Hải Dương. Tuy nhiên, thực dân Pháp tiến hành càn quét, đàn áp nên đồng chí phải chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn, phong trào cách mạng đến đây mới tạm thời lắng xuống và rơi vào thời kỳ đen tối.

img

Học sinh Hải Dương thăm quan tưởng niệm đồng chí Lê Thanh Nghị

Gây dựng lại phong trào cách mạng sau thời kỳ đen tối

Khi cách mạng Việt Nam có cơ hội hoạt động trở lại, để gây dựng và phát triển lại phong trào cách mạng tại tỉnh Hải Dương sau thời kỳ tạm thời lắng xuống, cuối năm 1937, đồng chí Lê Thanh Nghị được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Hải Dương đảm nhận nhiệm vụ gây dựng lại phong trào cách mạng.

Để che mắt kẻ thù và có điều kiện tiếp xúc với quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, đồng chí đã chọn khu vực huyện Ninh Giang để hoạt động nơi có lực lượng công nhân khá đông, tập trung trong nhà máy nước Ninh Giang, nhà dây thép, bến cảng. Tại đây, đồng chí đã vận động, giác ngộ được nhiều công nhân và nhân dân các vùng lân cận tham gia vào các phong trào đấu tranh của Đoàn thanh niên dân chủ, phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, mở tủ sách, mở lớp học văn hóa tuyên truyền đường lối của Đảng, đấu tranh đòi tự do, dân chủ... Qua hoạt động một số công nhân tiến bộ đã giác ngộ và trở thành hạt nhân phong trào cách mạng.

Không dừng lại ở địa bàn Ninh Giang, đồng chí Lê Thanh Nghị đã tìm hiểu, nắm tình hình chung trong cả tỉnh, trong đó tập trung vào phong trào cách mạng ở TP Hải Dương, Thanh Hà, Thanh Miện… Tại TP Hải Dương - trung tâm tỉnh lỵ, đồng chí đã tập trung tuyên truyền giác ngộ các tầng lớp nhân dân để vận động thành lập ra các tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ, Hội phụ nữ giải phóng, Hội ái hữu từ đó tập hợp lực lượng, giác ngộ tinh thần và nâng cao hiểu biết về sứ mệnh lịch sử của tầng lớp, giai cấp mình.

Đầu tháng 7/1938, đồng chí đã triệu tập đại biểu Thanh niên dân chủ của các huyện Vĩnh Bảo, Thanh Hà, Thanh Miện, Ninh Giang, TP Hải Dương về dự Hội nghị Thanh niên dân chủ toàn tỉnh tại số nhà số 3 phố Đông Mỹ (nay là số 45 phố Bùi Thị Cúc, TP Hải Dương). Hội nghị thông qua chương trình hoạt động và bầu ra Ban lãnh đạo tỉnh. Hoạt động chính của Đoàn thanh niên dân chủ là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi ân xá tù chính; trị, tổ chức đọc sách báo công khai của Đảng và lập các hội truyền báo chữ quốc ngữ; tổ chức vận chuyển tài liệu bí mật của Đảng từ Hà Nội về TP Hải Dương, xuống các huyện và xuống Hải Phòng. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, góp phần thống nhất về tổ chức, đường lối hoạt động đấu tranh của tổ chức Thanh niên dân chủ trong toàn tỉnh. Qua phong trào hoạt động đã giác ngộ, rèn luyện và đào tạo được nhiều thanh niên ưu tú là lực lượng cốt cán của các phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh.

Tháng 8/1938, khi điều kiện đã chín muồi, đồng chí Lê Thanh Nghị đã chủ trì thành lập 3 chi bộ Đảng trong toàn tỉnh đó là Chi bộ Đảng nhà máy nước Ninh Giang, Chi bộ Đảng thị xã Hải Dương và Chi bộ Đảng ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (nay thuộc TP Hải Phòng). Với sự ra đời của các chi bộ Đảng đã khẳng định phong trào cách mạng ở Hải Dương được phục hồi và phát triển, đây là cơ sở về mặt tổ chức để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương khi đủ điều kiện.

Thay mặt cho Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ là Xứ ủy viên đã công nhận việc thành lập 3 chi bộ Đảng Cộng sản ở Hải Dương, đây là sự khẳng định mang tính chính thống của Trung ương Đảng đối với sự phục hồi của phong trào cách mạng ở Hải Dương và cách mạng Hải Dương là một bộ phận của cách mạng cả nước do Trung ương Đảng, mà trực tiếp do Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo, điều hành hoạt động.

Cuối năm 1939, trước những diễn biến mới của Chiến tranh thế giới thứ lần II và sự thay đổi về chính sách cai trị của thực dân Pháp, để tập trung lãnh đạo hiệu quả phong trào cách mạng ở các tỉnh miền Duyên hải, Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định thành lập Liên tỉnh B (trong đó có tỉnh Hải Dương) và tăng cường cán bộ về chỉ đạo, củng cố cơ sở phong trào cách mạng. Đồng chí Lê Thanh Nghị được cử về phụ trách phong trào cách mạng tại Hải Dương.

Dưới vai trò lãnh đạo của đồng chí Lê Thanh Nghị, các cơ sở cách mạng tiếp tục phát triển lan rộng từ Nam Sách, Chí Linh đến Kim Thành, Thanh Hà, TP Hải Dương. Cùng với đó là vai trò hoạt động của những đảng viên do đồng chí Lê Thanh Nghị đào tạo, rèn luyện và kết nạp giai đoạn trước đã góp phần tích cực vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa đến sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hải Dương.

Ngày 10/6/1940, tại thôn Tại Xá (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách) đã diễn ra Hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương để lãnh đạo phong trào cách mạng chung trong toàn tỉnh. Sự kiện này được lấy làm sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Hải Dương, nó đánh dấu bước trưởng thành và phát triển về chất của phong trào cách mạng Hải Dương sau thời gian dài bị kẻ thù đàn áp, khủng bố.

Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập có công lao, đóng góp rất lớn của đồng chí Lê Thanh Nghị, người vận động gây dựng phong trào, chuẩn bị điều kiện về mặt tổ chức và lực lượng cho việc thành lập.

Ông Lê Thanh Nghị tên khai sinh là Nguyễn Văn Xứng (Khắc Xứng), sinh năm 1913 tại làng Thượng Cốc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Ông được giác ngộ và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên từ năm 1929. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 5/1930, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hải Phòng, tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo.

Năm 1936, ông Lê Thanh Nghị cùng một số chiến sĩ cách mạng được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại quê nhà. Tại quê nhà, ông Lê Thanh Nghị tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật ở Hải Dương, Hải Phòng, xây dựng nhiều cơ sở Đảng, tham gia Thành uỷ Hà Nội.

Cuối năm 1937, ông Lê Thanh Nghị được cử về hoạt động ở Hải Dương, sau đó công tác ở Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Ban Cán sự Liên tỉnh B.

Cuối năm 1939, ông Lê Thanh Nghị bị bắt lần thứ hai, đầy tại nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, ra tù, được chỉ định vào Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ, được giao trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II.

Tháng 4/1945, ông được cử làm Ủy viên thường trực Uỷ Ban Quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Đông Triều.

Sau Cách mạng tháng Tám, ông Lê Thanh Nghị là Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách miền duyên hải; năm 1946 là Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ.

Khi toàn quốc kháng chiến, ông làm Bí thư Khu uỷ khu III, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Khu III.

Đầu năm 1948, ông làm Phó Bí thư Liên Khu III, cuối năm 1948 được giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Cuối năm 1949, ông trở về làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ Khu III.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951), ông Lê Thanh Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Liên khu uỷ, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Khu III và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III, năm 1953 - 1954 kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Cuối năm 1954, lần thứ hai ông được cử làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Cuối năm 1955, ông giữ chức Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp.

Tháng 10/1956, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 mở rộng, ông Lê Thanh Nghị được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III và IV của Đảng, ông Lê Thanh Nghị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị.

Năm 1960, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp; năm 1967 kiêm Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương.

Từ năm 1974 - 1980, ông tiếp tục làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, năm 1980, được bầu làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Từ tháng 7/1981 - 12/1986, ông được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Ông là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.

Ngày 16/8/1989, ông Lê Thanh Nghị mất tại Hà Nội.

Nguyễn Quang Phúc,

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.