Xã hội

Lễ tuyên thệ của bốn lãnh đạo cấp cao có nhiều điểm mới

19/07/2016, 17:30

Khi tuyên thệ, toàn bộ các ĐBQH phía dưới đứng lên đảm bảo tính trang nghiêm, không chụp hình, không tặng hoa....

hop-bao

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của báo giới về những điểm mới sẽ được áp dụng trong nghi lễ tuyên thệ của bốn lãnh đạo cấp cao

Đó là một số điểm mới trong việc thực hiện nghi lễ tuyên thệ của các lãnh đạo cấp cao được ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội thông tin tại buổi họp báo chiều 19/7 về dự kiến chương trình kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khoá XIV.

Về cơ bản, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các nghi lễ tuyên thệ sẽ được giữ nguyên như kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII vừa diễn ra cách đây 3 tháng.

Theo đó, bốn chức danh tiến hành tuyên thệ khi nhậm chức là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án TAND Tối cao.

Nhưng có một số điểm mới được ông Phúc đề cập đến, đó là để đảm bảo tính trang nghiêm, khi lãnh đạo cấp cao tiến hành nghi lễ tuyên thệ thì mời toàn thể ĐBQH phía dưới đứng lên, khi đứng không quay phim, chụp ảnh. Đoàn Chủ tịch khi ấy cũng đi xuống phía bên dưới.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến cử tri, khi tuyên thệ xong sẽ không tặng hoa, khi Chính phủ ra mắt cũng không tặng hoa. Tại kỳ họp mới này, thay vì nói câu: “Đứng trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”, các lãnh đạo khi tuyên thệ sẽ sửa câu nói đó thành “Dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc”...

"Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ về đề nghị của Bộ VH-TT-DL, tiếp thu 68 văn bản của 68 nước do các đại sứ gửi về về nghi lễ tuyên thệ của các nước, rất khác nhau chứ không giống nhau" - ông Phúc cho hay.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chuẩn bị dự thảo trình Thường vụ Quốc hội hai phương án thực hiện nghi thức tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án TAND Tối cao.

Theo đó, ở phương án thứ nhất, lễ tuyên thệ sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phòng họp được giữ nguyên phông khánh tiết của kỳ họp. Hoặc có thể đề xuất tiến hành nghi lễ tuyên thệ nhậm chức riêng, sau khi kết thúc phiên họp.

Theo phương án 2, phông khánh tiết của phòng họp ghi nội dung Lễ tuyên thệ nhậm chức và ghi chức danh người nhậm chức. Bắt đầu vào buổi lễ, sẽ chào cờ và hát quốc ca.

Tuyên thệ là nghi lễ bắt buộc thực hiện, theo quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.