Xã hội

Lên Bản Phố say lòng với rượu ngô dân tộc

27/01/2015, 08:44

Ai đã từng đến cao nguyên trắng Bắc Hà, khó có thể quên được chén rượu ngô Bản Phố thơm nồng ngây ngất.

ruou 1
Rượu Bản Phố bày bán ở chợ

 “Bí quyết” của rượu ngon

Nhắc đến Bắc Hà là nhắc ngay tới rượu ngô bởi rượu ngô là thứ “quyến rũ” nhất khi đặt chân đến nơi này. Hương thơm của men và ngô luôn làm du khách ngây ngất khi chạm môi.

Cách thị trấn Bắc Hà 2km đi ngược lên xã Bản Phố, nằm ở chân núi Cô tiên là một trong những xã có truyền thống nấu rượu ngon nhất của huyện. Du khách khi đặt chân vào bất kỳ một gia đình nào nấu rượu sẽ được gia chủ mời. Người Mông quan niệm rằng, rượu là để gắn kết tình bằng hữu.

Chúng tôi dừng chân tại gia đình bà Giở, người nấu rượu lâm năm nhất ở thôn Bản Phố 2A vào đúng lúc bếp đang cháy rực than hồng. Kói trắng từ nồi rượu nghi ngút tỏa hương thơm nồng, nhắm mắt lại hít thật sâu để men rượu tràn vào trong lồng ngực đã có cảm giác lâng lâng dù chưa uống.

Chào khách, bà Giở cầm can rượu: “Vào đây đi, các cô, chú ở xa lên! Làm chén rượu cho ấm người nào, uống thử xem rượu ở đây khác rượu xuôi không?”. Tiết trời lạnh giá, nhâm nhi một hớp rượu cũng đủ làm cơ thể nóng bừng.

Sống với nghề nấu rượu từ nhỏ và được gia đình truyền lại “bí kíp” để thổi hồn cho rượu ngô Bản Phố, bà Giở chia sẻ: “Tổ tiên đã truyền lại cho tôi để giữ nghề, lấy chồng, tôi vẫn nấu rượu, còn ông nhà phụ giúp tôi. Để có được chén rượu ngô thơm ngon, ngoài ngô ra, cần có một loại men để tạo nên đặc trưng của rượu ngô Bản Phố”.

Bà Giở tiết lộ, để có được men đặc biệt nấu rượu cần phải xay nhỏ hạt hồng mi hay còn gọi là cây “pa” như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi nhào thật nhuyễn, nắm thành từng bánh đặt trên rơm phơi ở nơi thoáng gió, ít nắng cho đến khi khô trắng thì gác lên bếp hoặc treo trên sàn để dùng dần.

Khi nấu rượu, chọn những hạt ngô to, mẩy đem luộc. Khi luộc ngô, lửa phải đều, vừa phải cho sôi nhiều lần trong khoảng 24 tiếng đến khi hạt ngô chớm bung thì vớt ra để hơi ấm hoặc nguội hẳn rồi đem ủ men. Sau đó đem ngô đi ủ kín trong vòng 1 tuần rồi mới cho vào chõ để nấu rượu.

Thông thường, mỗi mẻ rượu có thể nấu được từ 18 – 20 lít, nồng độ từ 45 – 50 độ.

ruou 2
Rượu nhà bà Giở đắt hàng, vừa nấu ra đã có khách tới mua

 Rượu ngô Bản Phố đã có thương hiệu

Rượu ngô Bản Phố trong như nước suối, mùi thơm. Lúc mới uống, rượu có vị cay nồng, nhưng uống vào không phải là cảm giác cháy ruột cháy gan, thay vào đó là sự nồng ấm.

Là người lâu năm sống trong nghề nấu rượu, bà Giở tươi cười khoe: “Nhà tôi không phải mang ra chợ bán mà khách đến tận nhà mua. Nhiều khách ở tận dưới Hà Nội cũng gọi lên mua rượu đấy. Mỗi tháng cũng bán được vài trăm lít”.

Chị Hương, sống tại Lào Cai, vào lấy rượu ra bán lẻ, hồ hởi nói: “Đây là đặc sản rồi, ai cũng thích. Tôi còn gửi rượu vào cho khách ở tận Thanh Hóa, Nghệ An, thậm chí trong Sài Gòn”.

Còn Anh Hùng - người dân Thủ đô đi du lịch ghé vào mua rượu, cho biết: “Tôi chỉ mới nghe kể. Giờ được uống, khác hẳn với rượu tây, có một chút gì đó làm tôi xao xuyến. Tôi đã mua hẳn 50 lít về làm quà”.

Rượu ngô Bản Phố thường có giá từ 35 – 50 nghìn đồng/lít tùy loại. Loại ủ càng lâu càng có vị ngon và giá thành cũng đắt hơn.

Rượu ngô Bản Phố đã có thương hiệu, được Nhà nước công nhận như một đặc sản của người Mông Bắc Hà. Chính điều này đã tạo điều kiện cho những gia đình nấu rượu như bà Giở có kế sinh nhai.

Rượu ngô Bản Phố là giờ đã là thức uống hiện diện trong những bữa cơm mời khách cũng như các dịp lễ Tết của không chỉ người dân Bắc Hà. Chén rượu ngô không chỉ nồng đượm tinh túy đất trời mà còn thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người dân như bà Giở.

Quỳnh An

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.