Bóng đá

Lên chuyên nghiệp 20 năm, sân cỏ V-League vẫn như… mặt ruộng

25/01/2021, 09:44

Việc các CLB V-League đầu tư cả trăm triệu USD để xây mới sân vận động, cải tạo mặt sân gần như là điều không thể.

img

Mặt sân Vinh cỏ mọc không đều, nền đất cứng. Ảnh: VPF

Dù đã lên chuyên nghiệp 20 năm nhưng V-League đến nay vẫn chứng kiến nhiều sân đấu có chất lượng mặt cỏ kém, gây nguy hiểm cho cầu thủ, mang đến hình ảnh xấu cho giải đấu. Tuy nhiên, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh lại cho rằng, việc CLB đầu tư cả trăm triệu USD để xây mới sân vận động, cải tạo mặt sân gần như là điều không thể.

Cầu thủ nhỉnh hơn nhưng chất lượng sân cỏ thua xa Thai League

HLV Alexandre Polking của CLB TP.HCM khi mới sang Việt Nam đã đánh giá V-League có chất lượng cầu thủ nhỉnh hơn một chút so với Thai League. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của V-League lại kém xa giải đấu đồng cấp tại Thái Lan.

Theo vị HLV từng nhiều năm làm việc tại Thai League, các CLB ở đây đều sở hữu điều kiện thi đấu tốt, đặc biệt là sân vận động chất lượng cao.

Mới đây, tại vòng 1 V-League 2021, HLV Nguyễn Đức Thắng (CLB Bình Định) khi dẫn dắt học trò thi đấu tại sân Vinh của CLB SLNA đã chê sân đấu này rất tệ. Theo quan sát, mặt sân Vinh cứng, chất lượng cỏ không đồng đều, dẫn tới một số tình huống cầu thủ xử lý bóng không như ý muốn.

Còn HLV Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội) cũng phàn nàn về việc sân Thiên Trường sũng nước, lầy khiến học trò ông không thể triển khai lối chơi như ý muốn. Lãnh đạo CLB Nam Định cho hay, sân sũng nước là do việc bơm bảo trì vào sáng sớm nhưng hệ thống thoát nước kém nên bị đọng.

Sang tới vòng 2, người hâm mộ tiếp tục chứng kiến sân Lạch Tray (CLB Hải Phòng) hay sân Thanh Hóa (CLB Thanh Hóa) lên hình cùng mặt cỏ kém mượt. Sân Quy Nhơn của CLB Bình Định không đủ điều kiện thi đấu hiện đang phải gấp rút nâng cấp nên tân binh V-League phải nhờ sân 19-8 (Nha Trang, Khánh Hòa) làm sân nhà.

Thực tế, sân xấu không phải vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại từ lâu ở V-League. Ngạc nhiên là bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp được tròn 2 thập kỷ nhưng chất lượng nhiều mặt sân vẫn như lúc xuất phát điểm.

Mùa nào cũng có những tiếng than phiền từ HLV, cầu thủ liên quan tới các sân đấu, nổi cộm như sân Vinh, sân Lạch Tray hay sân Thanh Hóa. Mặt sân xấu khiến hình ảnh V-League khi lên sóng truyền hình trở nên kém hoàn hảo, mất thiện cảm với người hâm mộ. Đáng nói hơn, nó tiềm ẩn nguy cơ chấn thương cho cầu thủ, những người chạy vài km mỗi trận.

Tất nhiên, không thể phủ nhận V-League vẫn có những sân đẹp như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Gò Đậu, Hòa Xuân hay Hà Tĩnh. Tuy nhiên, với vị thế của giải đấu số 1 Việt Nam, con số trên chưa nhiều và chưa đáp ứng được yêu cầu chung.

Hàng năm, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều tiến hành đánh giá tiêu chí của các CLB, bao gồm cả mặt sân để cấp phép. Do vẫn còn sự linh động nhất định nên một số đội bóng không đạt đủ 100% tiêu chí vẫn được phép tham gia.

Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF cho rằng, trong bộ tiêu chí của AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) có các mức gồm đáp ứng, đáp ứng tốt và rất tốt. “Nhiều CLB chỉ hoàn thành được mức đáp ứng nên chúng tôi vẫn cấp phép. Đồng thời yêu cầu CLB có hướng giải quyết các vấn đề tồn tại, đặc biệt là mặt sân”, ông Hoài Anh nói.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, hiện V-League chủ yếu sử dụng hai loại cỏ là cỏ gừng và cỏ bermuda. Cỏ gừng lá to, khó chăm sóc và mọc không đều nhưng giá thành rẻ, còn cỏ bermuda giá thành đắt nhưng ưu điểm là mọc đều, độ bền cao, chịu được khô hạn. Sân Hàng Đẫy, Hòa Xuân và Thống Nhất dùng cỏ bermuda nên bề mặt phẳng đẹp. Cỏ gừng ở một số sân như Pleiku, Gò Đậu… không được đẹp bằng.

Khắc phục nỗi ám ảnh sân cỏ

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc CLB SLNA cho biết, mùa này miền Bắc, miền Trung có sương muối nên cỏ không phát triển được. Tới mùa xuân thì mặt sân sẽ cải thiện. Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch CLB Hải Phòng cũng có quan điểm tương tự khi lý giải cho việc sân Lạch Tray nhấp nhô.

Dẫu vậy, ông Nguyễn Văn Minh, Phụ trách Ban Quản lý sân Hàng Đẫy cho rằng, việc chăm sóc sẽ quyết định phần lớn tới chất lượng mặt sân.

“Thông thường có ba công đoạn chính là phục hồi sau trận, chăm sóc hàng ngày và trước ngày thi đấu. Sau mỗi trận, chúng tôi phải tưới nước, kiểm tra những chỗ bị lún sâu thì đổ cát, tưới phân để cỏ mọc lại. Hàng ngày khi phát hiện bất thường thì cần xác định nguyên nhân để xử lý. Trước trận đấu thì tưới nước, lu, cắt xén cho bằng phẳng. Mọi công đoạn đều phải làm kịp thời bởi nếu để lâu sẽ khó phục hồi”, ông Minh cho hay.

Tại Việt Nam, các sân đấu đều thuộc sở hữu Nhà nước, CLB chỉ có quyền vận hành, sử dụng. Theo ông Lê Hồng Cường, Tổng giám đốc CLB B.Bình Dương, chính điều này tạo ra cho đội bóng tâm lý ỷ lại vào ngân sách.

“Nhiều CLB có đủ khả năng tu bổ sân nhưng muốn xin ngân sách, mà tiền ngân sách thì cần qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian nên đôi khi chưa kịp xin thì sân đã xuống cấp mất rồi”, ông Cường cho hay.

Ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển, đa phần các CLB đều sở hữu sân đấu riêng, tự đầu tư và sử dụng. Ngay tại Thái Lan hay Malaysia cũng xuất hiện một vài trường hợp như vậy.

Tuy nhiên, trong điều kiện bóng đá Việt Nam, hầu hết đội bóng đều “ăn đong”. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF cho rằng, việc CLB xây sân mới tốn cả trăm triệu USD gần như không thể.

Cũng theo ông Lê Hoài Anh, để nâng cao trách nhiệm trong việc duy tu, bảo dưỡng và chăm sóc sân, các địa phương nên có cơ chế cho thuê trọn gói với CLB của tỉnh nhà.

“Trong điều kiện cho phép, CLB nên làm những gì tốt nhất để cải thiện hình ảnh giải. Không riêng mặt sân mà các phòng chức năng khác nhằm tạo thiện cảm với người hâm mộ, đừng để khán giả tới sân rồi lần sau không muốn tới nữa”, ông Hoài Anh nói thêm.

Thực tế còn cho thấy, không riêng mặt cỏ, rất nhiều sân bóng tại V-League trở thành nỗi ám ảnh với người hâm mộ bởi khu vệ sinh kém chất lượng. Các hạng mục chức năng khác như khán đài, phòng họp báo, phòng thay đồ cũng xuống cấp. Ngay như sân Hàng Đẫy của CLB Hà Nội, nhiều khu vực khán đài bị rạn nứt, không thể phục vụ khán giả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.