Hạ tầng

Lên phương án đầu tư hai hầm đường bộ lớn trên QL1

01/04/2015, 18:10

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai lập đề xuất dự án...

91

Việc xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông là rất cấp bách, bởi đây là “mảnh ghép”hoàn chỉnh cho toàn dự án nâng cấp, mở rộng QL1

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, các nhà đầu tư đang khẩn trương triển khai lập đề xuất dự án mở rộng hầm lánh nạn đường bộ qua đèo Hải Vân và hoàn thiện các thủ tục để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Đồng thuận đầu tư thêm ống hầm Hải Vân

Trong hai ngày 31/3 và 1/4/2015, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã họp với UBND hai địa phương Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng về công tác triển khai lập đề xuất dự án mở rộng hầm lánh nạn đường bộ qua đèo Hải Vân. Sau khi nghe nhà đầu tư báo cáo tình hình triển khai lập đề xuất dự án, hai địa phương đã đồng ý về mặt chủ trương và quy mô đầu tư. Lãnh đạo hai địa phương cũng cho biết, người dân rất đồng thuận và mong muốn sớm triển khai dự án để đưa công trình vào sử dụng, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực thông xe trên tuyến QL1.

Tại cuộc họp, ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, tính đến nay, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã đi vào khai thác được 10 năm, nên việc lưu thông một ống hầm với hai làn xe ngày càng trở nên phức tạp, dễ gây ùn tắc, hỏa hoạn và mất ATGT do lưu lượng xe qua khu vực này rất lớn.

Hầm Hải Vân là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, nối liền tỉnh Thừa Thiên - Huế với TP Đà Nẵng, với vai trò giải quyết một cách hiệu quả bài toán giao thông trên QL1 - tuyến đường huyết mạch Quốc gia qua khu vực miền Trung. Hầm được khánh thành và đưa vào khai thác tháng 6/2005 với kết cấu gồm: một ống hầm chính chiều dài 6,3km, một ống hầm lánh nạn song song với hầm chính dài 6,2km, hầm thông gió dài 1,9km và 3 hầm lọc bụi tĩnh điện với 15 ống hầm thông ngang.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một gia tăng, cùng với việc thực hiện chủ trương đầu tư mở rộng QL1 từ Vũng Áng đến Cần Thơ lên bốn làn xe, đã được thường trực Chính phủ thông qua ngày 16/1/2012, trong đó có đoạn tuyến đi qua khu vực hầm Hải Vân cần được triển khai một cách đồng bộ. Ông Hoàng nhận định, việc mở rộng hầm đường bộ thứ hai qua đèo Hải Vân là rất cấp thiết: “Việc hoàn thành mở rộng hầm đường bộ thứ hai qua đèo Hải Vân sẽ cho phép phương tiện lưu thông một chiều trên hai làn xe theo mỗi hướng trong từng ống hầm riêng biệt để nâng cao điều kiện ATGT trong quá trình khai thác”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch, Công ty CP Sông Đà 10 và đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã tiến hành công tác khảo sát, lập báo cáo đề xuất, lên phương án thi công đào hầm và xác định tổng mức đầu tư của dự án.

Cụ thể, theo phương án đề xuất, tổng chiều dài dự án là 12,6 km, gồm: Tuyến hầm lánh nạn được nghiên cứu mở rộng 6,2 km, đường dẫn phía Bắc dài 2,1 km và đường dẫn phía Nam dài 4,3 km. Ống hầm mở rộng được thiết kế với hai làn xe, quy mô mỗi làn rộng 3,5 m, đường dẫn tiếp cận hai cửa hầm cũng được mở rộng hai làn xe với vận tốc thiết kế 80 km/h. Về biện pháp thi công, hầm lánh nạn Hải Vân sẽ được thực hiện theo phương pháp xây dựng hầm mới của Áo (NATM), với kết cấu chống đỡ chủ yếu bằng bê tông phun, neo và bê tông vỏ hầm.

“Trong quá trình thi công đào mở rộng ống hầm lánh nạn Hải Vân sẽ không làm ảnh hưởng đến ống hầm chính đang khai thác. Đặc biệt, ống hầm lánh nạn hiện tại vẫn phải đảm bảo chức năng là hầm thoát hiểm cho ống hầm chính trong trường hợp xảy ra sự cố tai nạn và hỏa hoạn”, ông Hoàng nói.

Về phương án tài chính, dự án được thực hiện bằng hình thức BOT, nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn tài trợ tín dụng của VietinBank để triển khai xây dựng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư kiến nghị sử dụng trạm thu phí phía Nam hầm Hải Vân (Km912+000) và sẽ nghiên cứu điều chỉnh và đưa ra mức thu phí phù hợp với biểu khung thu phí của Bộ Tài chính. Theo phương án đề xuất, nhà đầu tư sẽ sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2015, để báo cáo với Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan.

92
Phương án thiết kế mở rộng hầm đường bộ Hải Vân

Gấp rút xây dựng hầm Cù Mông

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Minh Hoàng cho biết thêm, hiện nay, trên tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cần Thơ chỉ còn đoạn qua đèo Cù Mông nằm trên địa phận hai tỉnh Bình Định và Phú Yên là chưa có hầm đường bộ. “Xét về độ phức tạp, đèo Cù Mông chỉ sau đèo Hải Vân và đèo Cả. Do đó, việc xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông là rất cấp bách, bởi đây là mảnh ghép hoàn chỉnh cho toàn dự án nâng cấp, mở rộng QL1. Khi xây dựng hầm Cù Mông, ngoài việc đảm bảo điều kiện giao thông tốt nhất cho người và phương tiện đi lại an toàn, công trình còn góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH hai tỉnh Bình Định và Phú Yên”, ông Hoàng khẳng định.

Liên quan đến phương án tài chính để triển khai dự án này, tại cuộc họp diễn ra đầu tuần trước, ông Hồ Minh Hoàng kiến nghị Bộ GTVT và Chính phủ cho phép nhà đầu tư dùng vốn dư (khoảng 4.200 tỷ đồng) của dự án hầm đường bộ qua đèo Cả (do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư) để thực hiện.

“Bằng nhiều giải pháp tích cực, chúng tôi đã rà soát và tiết giảm tổng mức đầu tư của hầm đèo Cả từ 15.600 tỷ đồng xuống 11.378 tỷ đồng. Nhà đầu tư đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép dùng nguồn vốn dư này để làm hầm Cù Mông”, ông Hoàng nói.

Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Bộ GTVT hoàn toàn đồng tình với phương án dùng vốn dư của dự án hầm đèo Cả để xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Đây là một điểm đen về TNGT trên tuyến QL1. Việc xây dựng hầm Cù Mông không chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo ATGT mà còn có tác động rất lớn đối với sự phát triển KT-XH các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và hai tỉnh Bình Định, Phú Yên nói riêng. Về mặt chủ trương, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng vốn dư của dự án hầm đèo Cả để thực hiện dự án”, Bộ trưởng cho hay.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu ngành GTVT chỉ đạo, nhà đầu tư khẩn trương lên phương án lựa chọn các đơn vị nhà thầu để khởi công dự án vào tháng 9/2015. “Ngay sau khi thông đường và hầm Cổ Mã, nhà đầu tư phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ khảo sát địa hình, địa chất, sớm hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công xây dựng dự án vào ngày 15/9/2015”, Bộ trưởng Thăng yêu cầu.

Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Ban PPP nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục của dự án theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là những luật mới theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.