Thời sự Quốc tế

Toà hình sự quốc tế phát lệnh bắt ông Putin, Nga phản ứng dữ dội

18/03/2023, 11:38

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga không có nghĩa vụ công nhận "lệnh bắt" Tổng thống Putin của Tòa án hình sự quốc tế.

Lệnh bắt của ICC có ý nghĩa như thế nào?

Toà án Hình sự Quốc tế đã ra lệnh bắt đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Uỷ viên quyền trẻ em của Văn phòng Tổng thống Nga Maria Alekseyevna Lvova-Belova liên quan tới cáo buộc di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ Ukraine sang Nga và nhiều trẻ em đã được các gia đình Nga nhận nuôi.

Việc di chuyển bất hợp pháp người dân trong xung đột được coi là tội ác theo Quy chế Rome về Toà án Hình sự Quốc tế mà Nga từng tham gia nhưng đã rút ra vào năm 2016 vì không công nhận quyền xét xử của toà án này.

img

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Mặc dù Ukraine không tham gia Toà án Hình sự Quốc tế nhưng cho phép ICC có quyền xét xử tội ác chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ của Ukraine.

Theo hãng tin RT, các nhà chức trách Nga đã sơ tán hàng nghìn cư dân từ Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson - 4 khu vực sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 9 năm ngoái, đến Nga với cáo buộc quân đội Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp để nã pháo vào dân thường.

Công tố viên trưởng của ICC – ông Karim Khan đã có 4 lần tới thăm Ukraine trong năm qua và khẳng định có căn cứ hợp lý để cho rằng ông Putin chịu trách nhiệm hình sự cá nhân đối với việc di chuyển bất hợp pháp trẻ em.

Vì Nga không công nhận toà án ICC và không trục xuất công dân của mình nên rất khó có khả năng cao ông Putin hoặc bà Lvova-Belova tới trình diện tại toà.

ICC không miễn trừ cho người đứng đầu các nhà nước trong trường hợp liên quan tới tội ác chiến tranh, các tội ác liên quan tới nhân quyền hoặc diệt chủng. Trong quá khứ, Nam Phi từng từ chối thực thi lệnh bắt của ICC đối với ông Omar al-Bashir khi ông là Tổng thống Sudan và có chuyến thăm Nam Phi vào năm 2015.

Nam Phi cho rằng, họ không có trách nhiệm thực thi theo luật quốc tế và Quy chế Rome để bắt người đứng đầu nhà nước không tham gia ICC như ông Omar al-Bashir. Nhiều quốc gia khác mà ông Omar al-Bashir đến thăm cũng từ chối bắt giữ ông.

Nga phản ứng như thế nào?

Về phần Nga, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố nước Nga không có nghĩa vụ công nhận "lệnh bắt" Tổng thống Vladimir Putin mà Tòa Hình sự quốc tế (ICC) thông báo ngày 17/3.

Chia sẻ với báo giới, ông Peskov cho biết: "Chúng tôi coi lệnh này là sự xúc phạm và không thể chấp nhận.

Giống như nhiều quốc gia khác, Nga không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này. Theo đó, Liên bang Nga coi tất cả các tuyên bố chính thức của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý".

img

Trụ sở Toà án Hình sự Quốc tế

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định các quyết định của ICC không có ý nghĩa với Nga và các lệnh bắt đều vô hiệu và không có giá trị.

"Quyết định của ICC không có ý nghĩa với đất nước chúng tôi. Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC và không có nghĩa vụ nào liên quan. Nga không hợp tác với tổ chức này. Bất kỳ lệnh bắt giữ nào do cơ quan này đưa ra đều vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị đối với chúng tôi", bà Zakharova nói.

Cả Nga và Ukraine đều không thông qua Quy chế Rome về thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.