Chính trị

Lịch trình bận rộn của Tổng Bí thư tại Mỹ

06/07/2015, 19:57

Tổng Bí thư sẽ có những ngày làm việc bận rộn với lịch trình dày đặc trong chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ.

040715TBT1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, lịch trình của Tổng Bí thư sẽ bắt đầu từ ngày 6 tới 10/7/2015, theo lời mời của Chính quyền Tổng thống Obama . Đây là một chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tháp tùng Tổng Bí thư là đoàn đại biểu cấp cao gồm 2 ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Chánh văn phòng TƯ Đảng Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Đối ngoại TƯ Hoàng Bình Quân; các Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng; Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình; Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Công an Tô Lâm; Trợ lý Tổng Bí thư Hồ Mẫu Ngoạt, Đại sứ VN tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga. 

Ngoài ra còn có một số đại diện cựu chiến binh, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, kiều bào và doanh nghiệp.

20 năm và những dấu mốc lịch sử

Theo TTXVN, 20 năm trước vào ngày 12/7/1995, hai nước bình thường hóa quan hệ, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đúng 5 năm sau, ngày 13/7/2000, hai nước ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA). Và tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

Trong những ngày tháng 7/2015 này, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, người từng chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm về trước, đã có mặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh để tham dự các hoạt động kỷ niệm, đó chính là hiện hữu của niềm tin và thiện chí tiếp tục hướng tới một tương lai rộng mở hơn trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.

Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước tiến triển nhanh chóng, tích cực, trên nhiều lĩnh vực. Dù xa cách nhau về địa lý và có những khác biệt, dù trải qua những trang đau buồn trong quá khứ, nhưng với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có thể cùng nhau xây dựng một mối quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao và tiếp xúc thường xuyên tại các diễn đàn đa phương, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc, đối thoại, hai bên đều khẳng định mong muốn xây dựng “quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”. Hai nước cũng đã ký kết nhiều văn bản, hiệp định, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Kể từ khi Hiệp định thương mại song phương (BTA) có hiệu lực năm 2001 đến nay, quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ gia tăng nhanh chóng và thực sự là trọng tâm trong quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong 3 năm gần đây, đạt 36 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt Nam xuất hơn 30 tỷ USD. Từ năm 2015, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ đạt gần 11 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam có gần 17.000 sinh viên đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng đầu trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số các nước có nhiều sinh viên học tập tại Hoa Kỳ. Dự án thành lập Đại học mô hình Hoa Kỳ ở Việt Nam (Đại học Fulbright) đang được tích cực triển khai. Hoa Kỳ tiếp tục cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam qua các chương trình học bổng như Fulbright và Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF).

Hoa Kỳ coi trọng hợp tác y tế với Việt Nam, lựa chọn Việt Nam là quốc gia ưu tiên trong Chương trình hỗ trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS. Hai bên đang triển khai Dự án hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu ở rừng và đồng bằng giai đoạn 2013-2017, với tổng cam kết ban đầu là 17 triệu USD, nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu ảnh hưởng và thích nghi với biến đổi khí hậu. Gần đây, Hoa Kỳ tăng đáng kể nỗ lực và kinh phí giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nổi bật là dự án tẩy độc tại sân bay Đà Nẵng (sẽ hoàn thành vào năm 2016). Bên cạnh các dự án rà phá bom mìn trên cạn, từ năm 2013, Hoa Kỳ bắt đầu tập huấn rà phá bom mìn dưới nước cho thợ lặn của Việt Nam.

Quan hệ hai nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng từng bước được tăng cường. Từ năm 2010, hai bên tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng. Năm 2011, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Việt Nam tiếp tục tham gia chương trình đào tạo tiếng Anh, hợp tác quân y, duy trì đón tàu hải quân của Hoa Kỳ thăm cảng Việt Nam hằng năm, cho phép Hoa Kỳ thực hiện một số chương trình hỗ trợ nhân đạo tại các địa phương. Hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn… Năm 2014, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Tháng 6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng song phương.

Hai bên phối hợp tương đối chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như APEC, ARF, ADMM+, EAS và nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN lên đối tác chiến lược... Về vấn đề biển Đông, Hoa Kỳ ủng hộ chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) 2002.

Lịch trình bận rộn của Tổng Bí thư ở Hoa Kỳ

Hoạt động chính của chuyến thăm là cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama, ngoài ra Tổng Bí thư sẽ có hàng loạt các hoạt động như gặp cựu Tổng thống Bill Clinton và thượng nghị sĩ John McCain, những người đóng vai trò quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ song phương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ trao đổi về định hướng phát triển quan hệ song phương theo hướng tích cực, ổn định trong giai đoạn tiếp theo; thúc đẩy các mặt hợp tác và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng và thuận lợi hóa thương mại, đồng thời đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, quốc phòng an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng sẽ trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Theo VietNamNet đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư sẽ trao đổi về "Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong một thế giới đang thay đổi" tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh và quốc tế (CSIS), dự tọa đàm với doanh nghiệp Hoa Kỳ, dự lễ trao giấy phép xây dựng ĐH Fulbright tại VN và gặp nhóm trí thức của ĐH Harvard.

Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng sẽ gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của LHQ đối với công cuộc phát triển và đường lối đối ngoại của VN, thể hiện vai trò thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Một hoạt động không thể thiếu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm, đó là gặp đại diện cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, gặp gỡ đại diện các tầng lớp xã hội Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào ta.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.