Thời sự Quốc tế

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Ngày 24/2, đúng tròn 1 năm xung đột bùng phát, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine.

Ngày 23/2, sau 2 ngày thảo luận, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết kêu gọi “hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài” cho Ukraine, kêu gọi “Liên bang Nga lập tức rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ của Ukraine tính theo đường biên giới được quốc tế công nhận một cách vô điều kiện” đồng thời chấm dứt các hành vi thù địch nhằm vào Kiev.

Nghị quyết tái khẳng định ủng hộ “chủ quyền”, “toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine, không công nhận các vùng lãnh thổ Nga mới tuyên bố sáp nhập từ Ukraine.

Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc, nhận được 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng.

img

Màn hình hiển thị kết quả bỏ phiếu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ ngày 23/2 để thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine (Ảnh: AFP)

Sau khi Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết, trong bài đăng trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi nghị quyết cho thấy sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine không suy chuyển sau khi xung đột bùng phát tại quốc gia này tròn một năm.

Về phía Moscow, Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho rằng nghị quyết của Đại hội đồng LHQ “không có tác dụng” trong việc thúc đẩy hòa bình mà chỉ góp phần kéo dài chiến sự tại Ukraine.

Phía Nga cũng cho rằng nghị quyết mới được Đại hội đồng LHQ thông qua “thiếu cân bằng, mang tính chống Nga”.

Trong khi đó, Belarus - đồng minh của Nga bỏ phiếu chống vì Đại hội đồng không chấp thuận bổ sung nội dung kêu gọi “ngăn xung đột leo thang qua việc bơm vũ khí sát thương cho các bên tham gia” vào nghị quyết.

Đồng quan điểm trên, trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, Phó đại sứ Trung Quốc tại LHQ Dai Bing cho rằng, thực tế chiến sự tại Ukraine trong một năm qua chứng minh rằng cung cấp vũ khí cho các bên tham gia xung đột không đem lại hòa bình.

“Thêm dầu vào lửa chỉ khiến căng thẳng leo thang”, ông Dai khẳng định.

Theo ông Dai, “Trung Quốc ủng hộ Nga và Ukraine khôi phục đối thoại trực tiếp càng sớm càng tốt, trao đổi với đối phương về những quan ngại chính đáng của mỗi bên, tìm ra những giải pháp khả thi để sớm kết thúc khủng hoảng, đem đến cơ hội cho hòa bình”.

Tuy nhiên, ông Dai cũng nhắc tới một trong những lý do phía Nga đưa ra khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine là an ninh quốc gia của Nga bị đe dọa khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu và khả năng Ukraine gia nhập NATO.

Theo ông Dai, bất cứ thỏa thuận nào giữa Nga và Ukraine đều cần xét đến quan ngại an ninh chính đáng, hợp pháp của các bên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.