Chất lượng sống

Liên thông kết quả, bác sĩ vẫn chỉ định xét nghiệm lại

16/08/2017, 08:05

Từ 1/8, Bộ Y tế áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm, tuy nhiên nhiều bác sĩ vẫn chỉ định xét nghiệm lại.

12

Liên thông kết quả xét nghiệm giúp giảm thời gian, sức khỏe, chi phí cho người bệnh

Với những trường hợp kết quả xét nghiệm sai lệch với triệu chứng hoặc liên quan đến tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh, khi đó bác sĩ phải cho thực hiện xét nghiệm lại, thậm chí phải hội chẩn với chuyên gia xét nghiệm để có đánh giá chính xác hơn.

Còn e ngại chất lượng bệnh viện tuyến dưới

Từ 1/8, Bộ Y tế chính thức áp dụng liên thông kết quả xét nghiệm, tuy nhiên chỉ áp dụng ở 38 bệnh viện (BV) trực thuộc bộ với 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh.

Tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, bệnh nhân Trần Thị L. (Hà Tĩnh) cho biết, trước khi đến đây, bà đã khám tại BV Đại học Y Hà Nội và được chỉ định thực hiện làm khá nhiều xét nghiệm cho các chỉ số Ure, Glucose, Creatinin, Axit Uric… Với chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu dòng trung tính mạn tính, bà L. được giới thiệu chuyển sang chuyên khoa điều trị ở Viện Huyết học và truyền máu T.Ư. “Khi đến đây, tôi không phải làm lại một số xét nghiệm đã được thực hiện trước đó ở BV Đại học Y Hà Nội và chỉ còn thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên sâu mà thôi. Nếu các BV chấp nhận kết quả của nhau, người bệnh chúng tôi đỡ mệt mỏi và tốn kém rất nhiều”, bà L. cho hay.

Theo lộ trình, đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Chỉ cần giảm được 1% số lượng xét nghiệm phải làm thì có thể giảm được gần 5 triệu lượt xét nghiệm/năm. Nếu tính mỗi xét nghiệm giá 50.000 đồng sẽ tiết kiệm được khoảng 237 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, tại sân trước Khoa Khám bệnh, BV Nhi T.Ư, vợ chồng anh Nguyễn Thanh M. (Hải Dương) đang cất vội tập kết quả xét nghiệm, chiếu chụp để kịp lên chuyến xe khách muộn đưa con về quê ngay trong ngày. Anh M. cho biết, con gái anh 6 tuổi, mới tuần trước đi khám tại bệnh viện tỉnh, bác sĩ nghi ngờ con có dấu hiệu dậy thì sớm. Lo lắng nên cả hai vợ chồng nghỉ việc tranh thủ đưa con lên BV Nhi T.Ư khám. “Cũng từng ấy xét nghiệm, chiếu chụp như gia đình đã làm ở BV tỉnh và kết quả thì không có bất kỳ thay đổi. Điều khác duy nhất là bác sĩ kết luận cháu không phải dậy thì sớm. Giá như có sự liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện thì gia đình đỡ cảnh chờ đợi suốt gần 1 ngày, quá mệt mỏi”, anh M. than phiền.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện do chất lượng xét nghiệm không đồng đều giữa các phòng xét nghiệm nên đây là lý do khiến các bệnh viện tuyến trên e ngại khi dùng kết quả BV tuyến dưới. Do vậy, việc liên thông kết quả xét nghiệm cần được thực hiện theo lộ trình. Từ 1/8, Bộ Y tế áp dụng ở 38 trực BV thuộc bộ với 65 xét nghiệm về huyết học, hóa sinh, vi sinh với thời hạn nhất định. Đây là những bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO 15189. “Chỉ các phòng xét nghiệm có nội kiểm (tự kiểm định) và ngoại kiểm chất lượng (tự đánh giá và được phòng xét nghiệm chuẩn đánh giá chất lượng), có tỉ lệ xét nghiệm đạt chuẩn cao mới liên thông kết quả”, ông Khoa cho biết.

Liên thông kết quả: Phải “thông” chuẩn chất lượng

Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu T.Ư, việc liên thông kết quả xét nghiệm giải quyết 2 vấn đề, chống lạm dụng xét nghiệm thông qua đó trục lợi BHYT và nâng cao chất lượng của các xét nghiệm được thực hiện tại bệnh viện.

Đồng nhất với quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc BV Tai - Mũi - Họng T.Ư cũng cho rằng, việc làm này giúp người bệnh thuận tiện hơn, giảm chi phí, tuy nhiên cần cân nhắc một số vấn đề. Ví như, nếu là những xét nghiệm thông thường thì có thể liên thông nhưng những xét nghiệm đặc hiệu, có thể thay đổi theo thời gian, thể trạng người bệnh thì phải cân nhắc. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm có chính xác hay không còn phụ thuộc chất lượng máy móc, hóa chất, trình độ kỹ thuật viên. Trong khi bác sĩ khám lâm sàng lại là người chịu trách nhiệm chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân.

BS. Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Saint Paul chia sẻ, để bác sĩ chấp nhận kết quả xét nghiệm của một cơ sở y tế khác, điều kiện cần và đủ là phòng xét nghiệm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng được quốc tế công nhận. Khi đó, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV sẽ mang lợi cho cả người bệnh và bác sĩ. “Trên thực tế, hiện nay, xét nghiệm dù có được làm cẩn trọng đến mấy thì không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác. Không ít kết quả xét nghiệm sai lệch với triệu chứng. Khi đó, bác sĩ phải cho thực hiện xét nghiệm lại, có khi phải hội chẩn với chuyên gia xét nghiệm để có đánh giá chính xác hơn”, ông Phúc lý giải thêm.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, phòng xét nghiệm được liên thông, công nhận kết quả theo nguyên tắc đạt cùng mức chất lượng hoặc cao hơn. Đồng thời, bác sĩ lâm sàng là người cân nhắc, quyết định việc sử dụng kết quả xét nghiệm liên thông hay cần thiết chỉ định xét nghiệm lại, bởi điều này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. Và người bệnh nên đặt lòng tin vào quyết định của các bác sĩ lâm sàng. Bên cạnh đó, để kiểm soát “lạm dụng xét nghiệm”, bộ cũng thường xuyên có đoàn kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.