Y tế

Liên tiếp trẻ gặp tai nạn khi nghỉ học phòng Covid-19

12/04/2020, 06:15

Các bệnh viện tiếp nhận nhiều ca trẻ gặp tai nạn sinh hoạt ngay tại gia đình do cha mẹ bất cẩn trong việc trông nom.

img
Một bé trai bị tai nạn sinh hoạt đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

Trong thời gian nghỉ học kéo dài phòng dịch Covid-19, các bệnh viện (BV) tiếp nhận nhiều ca trẻ gặp tai nạn sinh hoạt ngay tại gia đình do cha mẹ bất cẩn trong việc trông nom.

Trẻ liên tiếp nhập viện do tai nạn sinh hoạt

Giữa mùa dịch Covid-19, BV Nhi T.Ư liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ từ 4-7 tuổi nhập viện do thương tích trong sinh hoạt tại gia đình. Trong đó, thương tâm nhất là trường hợp của cháu Nguyễn Bảo Linh (4 tuổi, Hà Nội). Theo chia sẻ của gia đình, khi đang chơi với chị, bé Linh chui vào máy tời vải (gia đình có xưởng trần ga gối tại nhà) rồi thò tay vào mô tơ và bị máy cán nghiến bàn tay phải. May mắn, cháu được gia đình nhanh chóng đưa đến Bệnh viện 103 sơ cấp cứu và chuyển đến BV Nhi T.Ư.

Cùng với Linh, bé Hoàng Thanh Bảo (7 tuổi, Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng đứt gân chân, gãy 2 xương bàn chân. Nguyên nhân là do bé đi xe đạp trong nhà và bất ngờ húc vào cạnh khung kính dựa ở gần đó. Các mảnh kính vỡ đã đâm vào chân trẻ.

Theo Ths. BS. Nguyễn Vũ Hoàng, chuyên khoa Chỉnh hình Nhi, trong đợt dịch này, khoa tiếp nhận nhiều trẻ bị tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.

Điển hình là tai nạn của bé gái Hoàng Minh Thùy (11 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội). Trong quá trình vệ sinh cá nhân, cháu Thùy có tì ngực vào bồn rửa mặt bằng sứ có chiều cao đến ngang ngực trẻ khiến 1/3 chiếc bồn rơi ra. Cạnh sứ sắc nhọn cứa vào cổ, cánh tay phải, khuỷu tay trái. Cháu Thùy được đưa đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng tỉnh táo nhưng đau đớn và mất nhiều máu, rách cơ cổ... Điều đáng nói, chiếc bồn rửa mặt gây tai nạn cho trẻ đã có dấu hiệu rạn nứt từ lâu nhưng gia đình chưa kịp thay.

Cũng trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, tại Khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản nhi, BV Đa khoa Phú Thọ liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi bị tai nạn thương tích trong sinh hoạt khá nghiêm trọng. Đó là trường hợp một bé gái 16 tháng tuổi (trú tại Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) được đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng, da và niêm mạc tím tái nhiều. Nguyên nhân do trẻ bị ngã xuống ao, đuối nước trong lúc chơi đùa cùng anh trai ở nhà. May mắn sau 72 giờ cấp cứu trẻ đã được cứu sống.

Một ca bệnh thương tâm khác là bé trai10 tuổi (trú tại Việt Trì - Phú Thọ) bị bỏng cồn. Được biết, trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, bố mẹ trẻ đã mua cồn 90 độ với mục đích dùng để sát khuẩn tay và vật dụng trong nhà. Trong lúc chơi đùa ở nhà, bé trai hiếu động nghịch lửa gần chai cồn khiến ngọn lửa bùng lên, gây bỏng nặng khoảng 60% diện tích cơ thể, các tổn thương rộng, sâu đặc biệt là ở cơ quan sinh dục... Sau khi được các bác sỹ khoa Cấp cứu điều trị chống đau, chống sốc, bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Gần đây nhất, một bệnh nhi 30 tháng tuổi (trú tại Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ) được đưa đến BV trong tình trạng hôn mê do ngã cầu thang từ tầng 2 xuống. Theo lời kể của gia đình, trẻ tự chơi một mình trên tầng 2 và hiếu động chui đầu qua song chắn cầu thang, không may trượt chân ngã xuống đất. Tại BV, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh máu tụ trong não, vỡ xương chẩm bên trái. Bệnh nhi ngay lập tức được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và được áp dụng phác đồ điều trị tích cực. Sau 2 ngày điều trị, trẻ được rút máy thở, tiên lượng tốt hơn.

Làm gì để tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong mùa dịch?

Theo TS. BS. Hoàng Hải Đức, Trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, BV Nhi T.Ư, tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích. Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên.

ThS. BS. Nguyễn Đức Long, Trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi, BV Đa khoa Phú Thọ cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần quan tâm đến trẻ, tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; Cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; Các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; Các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; … Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng”.

Đồng thời, BS. Long cũng khuyến cáo cha mẹ cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.