Thời sự Quốc tế

Liệu có nguy cơ vũ khí Mỹ bị Ukraine dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga?

Thời gian gần đây, Mỹ đã thảo luận với Ukraine về nguy cơ leo thang nếu Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ngày 26/5, hãng tin Reuters có bài viết độc quyền dẫn lời các quan chức Mỹ tiết lộ: Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tăng cường cung cấp các loại vũ khí phức tạp cho Ukraine, Washington đã phải thảo luận với Kiev về nguy cơ leo thang căng thẳng nếu Ukraine thực hiện tấn công vào lãnh thổ Nga.

Theo 3 quan chức Mỹ và các nguồn tin ngoại giao, các cuộc thảo luận này không vạch ra hạn chế địa lý rõ ràng trong việc sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp cho các lực lượng Ukraine mà hướng tới đạt được nhận thức chung về nguy cơ leo thang căng thẳng.

“Chúng tôi quan ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng nhưng chưa muốn đặt ra giới hạn địa lý hay ràng buộc họ quá nhiều liên quan tới những vũ khí do chúng tôi cung cấp”, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.

img

Lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh - Reuters

Theo hãng tin Reuters, vì Kiev đang đối phó trước chiến dịch quân sự của Moscow thành công hơn những gì các quan chức tình báo Mỹ từng dự đoán nên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh ngày càng sẵn sàng cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo Đan Mạch sẽ cung cấp tên lửa chống hạm Harpoon cho Ukraine, giúp mở rộng phạm vi tấn công của Kiev.

Các quan chức Mỹ cho biết Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc cung cấp cho Kiev hệ thống pháo di động M142, có tầm bắn lên đến hàng trăm km.

Song tình báo Mỹ từng cảnh báo về nguy cơ leo thang khi tăng cường cung cấp các loại vũ khí phức tạp cho Ukraine. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines nhận định chiến sự tại Ukraine có thể diễn biến theo quỹ đạo khó dự đoán và có khả năng leo thang căng thẳng hơn trong những tháng tới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo:

Việc phương Tây cung cấp vũ khí có khả năng chạm đến lãnh thổ Nga cho Ukraine sẽ là bước đi dẫn tới leo thang không thể chấp nhận.

Phía Nga cũng nhiều lần cáo buộc Ukraine không kích xuyên biên giới, bao gồm vụ tấn công vào kho chứa nhiên liệu ở thành phố Belgorod của Nga.

Song, phía Ukraine từ chối xác nhận có liên quan tới những vụ tấn công này.

Các quan chức Mỹ cho biết Washington không trực tiếp can dự vào chiến sự Ukraine nhưng Lầu Năm Góc thường xuyên liên lạc với Ukraine và chia sẻ các thông tin tình báo quan trọng nhằm hỗ trợ Ukraine tấn công các lực lượng Nga cả ở trên đất liền và trên biển.

Chia sẻ với Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên khác cho hay Washington và Kiev đã trao đổi và hiểu về việc sử dụng một số loại vũ khí cụ thể do phương Tây cung cấp.

Bộ Quốc phòng Ukraine chưa phản hồi trước thông tin này.

Nghị sĩ Đảng Dân Chủ Jason Crow, một quan chức vừa tới Ukraine vào tháng trước và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết ông không quan ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng.

Nhưng ông Crow nhấn mạnh: “Những vũ khí này cần được sử dụng có trách nhiệm".

Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO Douglas Lute cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng và chia rẽ chính trị trong nội bộ NATO nếu Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Theo ông Lute, khả năng Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ châm ngòi tranh cãi trong liên minh, điều mà cả NATO hay Ukraine đều không mong muốn.

Vấn đề đặt ra là liệu Ukraine có thay đổi chiến lược nếu tình hình chiến sự xấu đi, dẫn tới việc sử dụng vũ khí Mỹ cung cấp theo hướng ngoài dự tính ban đầu hay không.

Chia sẻ với Reuters, một quan chức Mỹ cho biết, vẫn có thể có trường hợp các lực lượng Ukraine bị dồn vào góc tường và cảm thấy cần đẩy căng thẳng lên cao hơn, nhưng hiện phía Mỹ chưa thấy điều đó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.