Thời sự Quốc tế

Liệu Mỹ có thể đưa Bộ tứ Kim cương thành NATO ở Ấn Độ-Thái Bình Dương?

11/03/2021, 19:54

Bộ tứ Kim cương (Quad) trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden.

img

Ngoại trưởng Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ trong phiên họp tại Tokyo ngày 6/10/2020

Động lực khiến Bộ tứ hợp lực đối đầu Trung Quốc

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Bộ tứ Kim cương (Quad), với chủ đề “Đối thoại bốn bên về vấn đề an ninh” chuẩn bị diễn ra vào cuối tuần này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn tăng cường hợp tác giữa 4 quốc gia để chống lại sức ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo Financial Times.

Thậm chí, qua đây, Mỹ có thể tiếp tục hiện thực hóa mong muốn thành lập một khối liên minh quân sự tương tự như Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quy mô nhỏ tại Châu Á.

Hiện tại, quá trình này đang diễn ra ngày càng tích cực, hãng Sputnik dẫn nhận định của chuyên gia Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho biết.

Lý giải về nhận định của mình, ông Mosyakov nói: “Mỹ cần một khối quân sự nghiêm túc tại khu vực phía Tây Thái Bình Dương và tại Ấn Độ Dương. Đây là điều cần thiết để nước này có thể đối đầu với Trung Quốc - quốc gia mà Mỹ coi là đối thủ chính".

Theo ông, dự tính, cuộc đối đầu giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ leo thang căng thẳng, nên Washington cần phải thành lập một vài khối đồng minh có sự góp mặt của các quốc gia liên quan. Với Bộ tứ Kim cương, cả 4 quốc gia thành viên đều đang gặp nhiều vấn đề trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong đó, Nhật có mâu thuẫn với Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông; Ấn Độ có xung đột biên giới với Trung Quốc dù gần đây hai bên đã đạt được thỏa thuận để giảm bớt căng thẳng; Australia và Trung Quốc đang nổ ra thương chiến.

Những mâu thuẫn xung đột này là động lực để Bộ Tứ Kim cương tìm kiếm những công cụ mới trong quá trình kiềm chế các tham vọng và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Từ các hoạt động trong suốt cả năm 2020, với tần suất gặp gỡ dày dặn hơn, 4 quốc gia tham gia Quad đã mở rộng hợp tác trên nhiều mặt từ an ninh quốc phòng đến kinh tế, nhằm tạo ra thế đối trọng với Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Nhóm này tăng cường tương tác trong các hoạt động quốc phòng chung, đảm bảo trật tự dựa trên luật pháp, tự do hàng hải, hàng không trong các vùng biển khu vực, đặc biệt tại Biển Đông; chống lại các hành động cường quyền, đơn phương gây hấn, thôn tính tại khu vực. Đồng thời, họ cũng thúc đẩy kế hoạch xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19, với mục đích cuối cùng là "thoát Trung Quốc".

Liệu Bộ tứ có thể lôi kéo ASEAN vào “NATO mini”?

Theo chuyên gia Dmitry Mosyakov, chiến lược thành lập khối “NATO mini” ngay tại Ấn Độ - Thái Bình Dương được phát triển dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong nhiệm kỳ của ông Biden dưới hình thức quan hệ đối tác và liên minh. Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh 4 bên sắp tới sẽ cho thấy rõ “mức độ chín muồi” của chiến lược này.

Nhận định về khả năng thành lập liên minh quân sự kiểu NATO như vậy, ông Mosyakov cho rằng: Trong Bộ tứ Ấn Độ-Thái Bình Dương, hầu hết các nước đều là quốc gia độc lập về tài chính, có khả năng chia sẻ gánh nặng tài chính nếu thành lập thành khối quân sự.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở Ấn Độ. Nếu New Delhi gia nhập liên minh quân sự, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ - Trung Quốc tại Nam Tây Tạng, thuộc dãy Himalaya, từ đó kéo theo một loạt mối đe dọa mới. Trong trường hợp đó, Pakistan sẽ trở thành đối tác quan trọng của Trung Quốc.

Chuyên gia Nga cho rằng: Để củng cố sức mạnh, các bên trong Bộ tứ Kim cương có thể tìm kiếm và mở rộng thêm đối tác mới, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), để đối đầu với Bắc Kinh.

Song, xét về quy mô, các quốc gia trong ASEAN chưa đủ khả năng để hợp tác một cách toàn diện. Thay vào đó, Hiệp hội này có thể trở thành đối tác trên một số điều kiện nhất định. Một vài điều kiện đã được ASEAN đưa ra trong Hội nghị Thượng đỉnh 2020 tại Bangkok (Thái Lan) trong đó đề cập tới việc mở cửa và hợp tác kinh tế - ông Mosyakov nói.

Cuối cùng, theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và châu Đại Dương, để có thể đánh giá rõ hơn thái độ của ASEAN, cần phải chờ đợi kết quả từ cuộc họp thượng định trực tuyến của Quad.

Nếu tại đây, các bên tập trung bàn tới hợp tác quân sự như tổ chức nhiều hoạt động diễn tập mới, cung cấp vũ khí, thì nội dung này sẽ không phù hợp với ASEAN. Bởi khu vực này luôn thận trọng khi hợp tác quân sự thuần túy với các nước trong Bộ tứ.

Nhưng nếu 4 nước chủ yếu bàn với các dự án kinh tế thì đây sẽ là vấn đề mà ASEAN quan tâm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.