Tài chính

Linh hoạt, nhạy bén để giữ đà tăng trưởng ngoạn mục

Dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, song kinh tế 9 tháng năm 2022 vẫn tăng trưởng 8,83%. Vậy làm thế nào để duy trì được tăng trưởng bền vững?

Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới vẫn còn diễn biến khó lường, tác động không nhỏ tới Việt Nam.

Làm thế nào để duy trì được tăng trưởng bền vững là vấn đề được Báo Giao thông đặt ra trong cuộc trao đổi với ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

img

Ông Trương Văn Phước

Những con số đáng tự hào

Trong bối cảnh thị trường thế giới nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận sự hồi phục ngoạn mục. Theo ông, điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế 9 tháng là gì?

Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phục hồi nhanh và mạnh mẽ mà số liệu của 9 tháng đầu năm 2022 đã thể hiện rất rõ.

Những nhân tố quan trọng để mang đến kết quả này, ngoài sự phục hồi ngoạn mục của lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ và du lịch còn nhờ sự tăng trưởng cao về lĩnh vực đầu tư. Tuy tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái chưa cao nhưng lượng vốn đổ vào đầu tư công rất lớn.

Về xuất khẩu, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam vẫn xoay xở để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, 9 tháng qua, xuất khẩu và nhập khẩu của chúng ta vẫn tăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia ít ỏi giữ được đồng tiền không bị mất giá nhiều. Hiện nay, tiền đồng (VND) đang bị mất giá khoảng dưới 7%, so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 - 17%; hay đồng yên Nhật mất giá lên đến 32%; đồng won Hàn Quốc cũng mất giá trên 22%, đồng bảng Anh, đồng EURO mất giá khoảng 15%...

Kết quả này đạt được nhờ yếu tố chủ quan, khách quan nào, thưa ông?

Cuối 2021, Chính phủ đưa ra Nghị quyết về thích ứng linh hoạt với dịch bệnh cũng như thực trạng kinh tế thế giới (lạm phát, đứt gãy cung ứng, khan hiếm hàng hoá...).

Chúng ta có rất nhiều động lực để nắm bắt được những cơ hội, trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát cao.

Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để “bơm” vốn, không chỉ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thị trường mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

Về cơ hội và thách thức của nền kinh tế tới đây, có một biến số đầu vào mà chúng ta chưa chắc chắn về dữ liệu: biến động của thị trường thế giới. Liệu thế giới có kiềm chế được lạm phát? Một số nước có ngưng lại đà tăng lãi suất? Việt Nam không cách nào khác là vẫn linh hoạt, nhạy bén để tìm kiếm những cơ hội, như chúng ta đã và đang thực hiện rất tốt vừa qua.

Ông Trương Văn Phước


Theo đó, chúng ta đã kiên định theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nhiều cân đối lớn, trong đó có hai chỉ số quan trọng: Tăng trưởng dự kiến năm 2022 đạt được trên 8% và cố gắng duy trì lạm phát ở mức dưới 4%.

Các chính sách Chính phủ đưa ra rất thận trọng và linh hoạt, như đề xuất với Quốc hội cắt giảm các loại thuế như VAT, sắp tới là thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, có thể giúp điều chỉnh giá cả hàng hóa theo xu hướng thị trường; thích ứng dần không chỉ trong dịch bệnh mà còn đối với nhiều biến động từ nền kinh tế thế giới.

Ngoài ra, trong 2 năm trở lại đây, Chính phủ nhất quán trong việc cải cách thể chế, nhân lực, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng.

Dù nguồn lực quốc gia còn hạn chế, song đầu tư công vẫn được coi như một cú huých rất quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế không chỉ trong 9 tháng đầu năm hay cả năm 2022 mà còn lan tỏa những năm tiếp theo.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn chính sách. Thế giới có thể sẽ phải đối mặt lạm phát tăng gấp đôi, trong khi tăng trưởng sẽ sụt giảm hơn một nửa so với năm ngoái.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức trên 8% mà lạm phát dưới mức 4%, tức là tăng trưởng gấp đôi so với lạm phát, đây là con số đáng tự hào.

Thông điệp tích cực bảo vệ môi trường kinh doanh

img

Trong 9 tháng năm 2022, có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường Ảnh minh họa: Tạ Hải

Giữa điểm sáng của bức tranh kinh tế, nổi lên vấn đề quản trị, nhất là quản trị nguồn vốn (vay nợ) của một số tập đoàn kinh tế tư nhân. Một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật đã được phát hiện, xử lý bước đầu. Ông đánh giá việc này thế nào?

Một trong những điểm khác biệt của thị trường tài chính của Việt Nam với các nước, đó là thị trường tiền tệ lâu nay đang phải gánh vác trách nhiệm của thị trường vốn.

Điều này dẫn đến áp lực mất cân đối khi huy động vốn ngắn hạn nhưng lại cho vay trung, dài hạn với một tỷ lệ cao.

Để giảm rủi ro thanh khoản, chúng ta đã từng bước đẩy mạnh thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), trong đó trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc trong vài ba năm trở lại đây.

Tuy nhiên, quá trình mở cửa nhanh thị trường vốn cũng dẫn đến một số rủi ro, như công cụ quản lý, giám sát còn thiếu chặt chẽ.

Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, cố ý làm trái, dẫn đến một số vụ việc bị phát hiện, xử lý vừa qua.

Đây là hệ quả tất yếu của sự xung đột, mâu thuẫn giữa một bên là mong muốn thị trường vốn phát triển nhanh, quy mô lớn để doanh nghiệp tiếp cận, trong khi công cụ kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ.

Thậm chí, không loại trừ yếu tố thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái của một số ít cá nhân, đơn vị.

Việc xử lý kiên quyết với các tổ chức, cá nhân sai phạm cho thấy sự quyết liệt trong bảo vệ môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông liệu điều đó có ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư?

Những vụ việc này đã ít nhiều tác động đến tâm lý thị trường, nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán điều chỉnh ở trên 1.000 điểm, theo tôi là mức độ chấp nhận được và đã phần nào phản ánh được nội tại nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn những nhân tố tích cực của nền kinh tế vẫn là căn bản, như đã phân tích ở trên.

Thậm chí, ở khía cạnh nào đó, sự quyết liệt của Chính phủ trong xử lý hàng loạt vụ án kinh tế điển hình thời gian qua cũng lại mang đến thông điệp tích cực cho thị trường là thanh lọc, đảm bảo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Do đó, những tác động tiêu cực là không đáng kể và cơ hội huy động vốn vẫn rộng mở cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thực tế thì có ai cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu đâu? “Anh” công khai, minh bạch, trong sáng, anh sợ gì?

Cách nào giám sát chất lượng vốn, tín dụng?

Một số ý kiến cho rằng, “room” tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn “chật chội” dù Ngân hàng Nhà nước mới đây đã nới cho một số đơn vị và đây sẽ là rào cản cho đà tăng trưởng những tháng cuối năm. Theo ông, lo ngại này có cơ sở?

Về hạn mức tín dụng 14%, cũng có nhiều quan điểm cao thấp khác nhau. Song chúng ta có thể cảm nhận định tính thế này: Cũng như một doanh nghiệp, vấn đề không phải là vay ít hay vay nhiều, quan trọng là sử dụng sao cho có hiệu quả. Tương tự như vậy, danh mục tài chính cho quốc gia cũng phải được thanh lọc lại bằng những công cụ giám sát chất lượng tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể định hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, vào khu vực tạo ra của cải vật chất, sản phẩm xuất khẩu bằng cách cho những ngân hàng cho vay những lĩnh vực được ưu tiên, ưu đãi trong tiếp cận thị trường mở, được tái cấp vốn với chi phí thấp hơn.

Còn nếu chỉ tập trung vào những lĩnh vực như bất động sản, hay lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro cho nền kinh tế thì phải sử dụng công cụ quản lý.

Cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD; xuất khẩu nông sản đạt 40,8 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 12,5%; vốn FDI thực hiện đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3%. Trong 9 tháng có hơn 163 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.