Xã hội

Lĩnh vực ngân hàng có đặc thù "chết không chôn được"!

18/09/2017, 11:54

Lĩnh vực ngân hàng có đặc thù “chết không chôn được”, khi ấy vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc.

thong-doc-ngan-hang-le-minh-hung

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng việc xử lý “ngân hàng 0 đồng” vẫn còn lúng túng.

Đó là ý kiến được một đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu ra tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, sáng 18/9.

Trong đó, hai vấn đề được tập trung cho ý kiến nhiều nhất là quy định miễn trách nhiệm hình sự và chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, Điều 147 của dự thảo luật quy định rõ về việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, các cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ và một số trường hợp gặp rủi ro pháp lý.

Từ thực tế đó, không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực tham gia xử lý Tổ chức tín dụng yếu kém. Đây cũng chính là vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra- Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, vấn đề này một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt vì không đảm bảo tính thống nhất với Luật Cán bộ, công chức.

Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng yếu kém được kiểm soát đặc biệt, việc có quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là rất cần thiết. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát quy định những nguyên tắc, trường hợp cụ thể tránh lợi dụng quy định miễn trừ này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị làm rõ “miễn trách nhiệm” đối với người tham gia cơ cấu tổ chức tín dụng là miễn trách nhiệm hành chính, hay dân sự, hay hình sự?

Giải trình rõ hơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, miễn ở đây chủ yếu là miễn trách nhiệm hình sự, dân sự, quy định ở đây không trái quy định. Lý giải về việc đưa ra quy địnhh này, ông Hưng cho rằng do người tham gia tái cơ cấu có tâm lý hoang mang, nặng nề khi tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, vì có những cái "không kiểm soát hết được". Thống đốc cũng thẳng thắn cho rằng, việc xử lý “ngân hàng 0 đồng” vẫn còn lúng túng, vì luật chưa có quy định.

Bên cạnh đó, một đại diện khác của NHNN lý giải thêm, lĩnh vực ngân hàng có đặc thù “chết không chôn được”. Vốn mất hết, nhưng phải chuyển giao bắt buộc, vì ngân hàng này nhận tiền của dân, ảnh hưởng đến hệ thống, nên mới phải chuyển giao bắt buộc. "Doanh nghiệp bình thường là phá sản, còn ngân hàng thì không vậy được, phải tái cơ cấu, từ đó mới phải có giải pháp để cứu" - vị này nói.

Chốt lại nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bỏ miễn trách nhiệm hình sự, không thể để điều 147 ở dự thảo luật này. Về vấn đề chuyển giao bắt buộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu giải trình, làm rõ thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.