Y tế

Lo “âm tính giả”, Hà Nội xét nghiệm lại 75.000 người về từ Đà Nẵng

08/08/2020, 12:13

Từ hôm nay 8/8, Hà Nội gấp rút làm xét nghiệm lại bằng phương pháp Realtime-PRC cho khoảng 75.000 người về từ Đà Nẵng trong thời gian 15-28/7..

img
Hà Nội làm xét nghiệm lại Covid-19 theo phương pháp RT-PCR cho người trở về từ Đà Nẵng từ 15/7 trở lại đây (ảnh minh họa)

Bộ Y tế sẽ giúp Hà Nội xét nghiệm 100.000 mẫu PCR

Trước nỗi lo "âm tính giả" với hơn 80 nghìn mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 của Hà Nội với người trở về từ Đà Nẵng, Hà Nội chính thức thực hiện xét nghiệm lại bằng phương pháp PCR trên cho khoảng 75 nghìn người về từ ngày 15-28/7.

Tại cuộc làm việc với Hà Nội về công tác chống dịch trên địa bàn sáng 8/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Bộ Y tế đảm bảo đủ sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 của Hà Nội". Đồng thời, cho biết Bộ Y tế vừa ban hành quyết định tạm thời về trộn mẫu xét nghiệm, và rút nhóm chuyên gia về xét nghiệm của Bộ Y tế từ Đà Nẵng về hỗ trợ Hà Nội.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện/viện/trường trực thuộc Bộ nâng cao tối đa công suất xét nghiệm cho Hà Nội. Tuy nhiên, quan trọng là Hà Nội phải đảm bảo lấy mẫu đủ để các đơn vị có thể xét nghiệm nhanh nhất.

"Chúng tôi coi Đà Nẵng là vùng dịch, tâm dịch nên những người về từ Đà Nẵng đều có nguy cơ lây nhiễm nhất định", ông Long cho hay và nhấn mạnh phải tiến hành thật nhanh việc lấy mẫu, xét nghiệm Realtime.

Theo đó, Bộ Y tế đã thảo luận, giao 4 đơn vị chính sẽ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 70.000 người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng theo phương pháp RT-PCR. Trong đó, BV Bạch Mai đảm nhiệm 40.000 mẫu; BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương mỗi đơn vị 10.000 mẫu.

Ngay chiều nay, gửi mẫu về cho các cơ quan này, Trung ương sẽ làm rất nhanh nhưng tốc độ lấy mẫu và điều phối mẫu cho các đơn vị thì đề nghị TP giao Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ.

"Kỹ thuật này, Bộ Y tế hỗ trợ toàn bộ cho thành phố Hà Nội. Chúng tôi kiến nghị Hà Nội lấy mẫu máu cho tất cả người đi về từ Đà Nẵng từ 7-15/7 khoảng 22.000 mẫu. Việc này Trung ương cũng đảm nhận cho Hà Nội" – Quyền Bộ trưởng thông tin.

Về xét nghiệm Elisa, Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát triển được test kit này, có độ đặc hiệu, độ nhạy chính xác rất cao.

"Trước mắt, việc xét nghiệm RT-PCR phải làm thật nhanh. Nếu Hà Nội lấy mẫu trong 3 ngày thì Trung ương cũng đảm bảo làm xét nghiệm trong 3 ngày", Quyền Bộ trưởng khẳng định.

Ủng hộ xã hội hoá để tăng tốc xét nghiệm

PGS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội cho biết, hiện tại Hà Nội có 75.000 người đi Đà Nẵng từ 14/7/2020 trở lại đây cần làm xét nghiệm. Với năng lực xét nghiệm hiện có của Hà Nội, đồng thời huy động sự hỗ trợ của các bệnh viện trung ương có thể làm xét nghiệm PCR chẩn đoán Covid-19 đạt số lượng 5.000 mẫu/ngày. Để thực hiện xét nghiệm PCR với số lượng lớn kể trên thì cần có chiến lược xét nghiệm hiệu quả và đảm bảo chất lượng tốt nhất, số lượng mẫu PCR được làm nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn, đồng thời ưu tiên xét nghiệm cho những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo đó, nhóm bác sĩ của BV ĐH Y Hà Nội "hiến kế" giúp giải quyết được tình thế hiện tại:

Thứ nhất dùng phương pháp xét nghiệm gộp các pool mẫu (Pooling) có thể là một chiến lược tốt trong điều kiện nguồn lực giới hạn. Một số nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh giá trị của pool mẫu trong đại dịch này, đặc biệt là ở những quần thể có tỉ lệ mắc thấp như ở Việt Nam. Hà Nội cũng nên áp dụng phương pháp này tuy nhiên phải có hướng dẫn cụ thể. Nếu được có thể triển khai theo nhóm gia đình hoặc nhóm văn phòng, cơ quan có cùng nguồn lây, tiếp xúc.

Tuy nhiên đối với những người có triệu chứng, vẫn nên làm xét nghiệm riêng cho từng cá thể để đảm bảo khả năng phát hiện cao nhất vì đây là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thứ hai, do số lượng người cần sàng lọc là rất lớn (trên 75.000 người) nên cần có chiến lược ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm. Người dân cần làm xét nghiệm phải phân chia thành các nhóm: Nhóm cần làm ngay lập tức và nhóm làm theo kế hoạch

Việc lấy mẫu cần ưu tiên cho nhóm cần làm ngay lập tức: Có triệu chứng lâm sàng (sốt, ho, khó thở…) hoặc có tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm. Tiêu chí ưu tiên cần xác định gồm: 1) Triệu chứng lâm sàng (có hay không có triệu chứng), 2) Yếu tố dịch tễ (có tới 1 trong những khu vực đã được công bố dịch hay không) và 3) Thời gian rời khỏi vùng dịch tới thời điểm lấy mẫu.

Đối với người đi từ Đà Nẵng về 14 ngày thì cần làm thêm xét nghiệm phát hiện kháng thể để tăng độ nhạy cho việc sàng lọc vì các nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng phát hiện ca bệnh COVID-19 bằng xét nghiệm PCR giảm dần theo thời gian. Việc xét nghiệm kháng thể có thể đánh giá tình trạng miễn dịch phơi nhiễm của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có bằng chứng đã từng nhiễm SARS-CoV-2 thì cần ngay lập tức khoanh vùng và rà soát những người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Do các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy dao động, phụ thuộc vào loại kháng nguyên hay sinh phẩm sử dụng nên nhất thiết phải chọn các xét nghiệm kháng thể có độ nhạy cao, chất lượng tốt được FDA và/hoặc CE chứng nhận.

Và nhóm làm theo kế hoạch: Theo thời gian đi từ vùng dịch Đà Nẵng, làm sớm nhất với người vừa về từ vùng dịch ...

Theo địa điểm dịch đã được Bộ Y tế công bố, người đã đi qua một hay nhiều những vùng dịch bộ này công bố sẽ được ưu tiên làm xét nghiệm trước.

Bên cạnh đó, cần thiết lập 1 cơ chế để bệnh nhân có triệu chứng được xét nghiệm PCR ngay tại bệnh viện họ đến khám lần đầu. Để thực hiện điều đó, cần cho các bệnh viện cơ chế để xét nghiệm PCR tại chỗ nếu bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm. Nhiều bệnh nhân có khả năng tự chi trả xét nghiệm hoặc đồng chi trả với bảo hiểm, chúng ta cần ủng hộ điều đó và cho phép xã hội hóa xét nghiệm này nhằm mục đích số người phơi nhiễm SARS-CoV-2 được xét nghiệm nhanh nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.