Chất lượng sống

Lo CPI tăng, tính lại thời điểm tăng giá khám chữa bệnh

10/04/2018, 07:10

Lộ trình điều chỉnh dịch vụ y tế, mở rộng đấu thầu tập trung thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế...

15

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế khiến CPI quý I tăng 1,32% - Ảnh: Tạ Tôn

Lộ trình điều chỉnh dịch vụ y tế, mở rộng đấu thầu tập trung thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế để có giá tốt… là nội dung bàn luận trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Y tế, BHXH và một số đơn vị khác chiều 9/4.

Lùi lộ trình tăng giá nếu CPI tăng cao

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), liên ngành Y tế, BHXH và Tài chính đã khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh. Dự kiến, đến tháng 5/2018 sẽ hoàn thành việc điều chỉnh giá với phí khám bệnh, ngày giường và khoảng 40 dịch vụ như: X-quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi tai mũi họng, y học cổ truyền, xét nghiệm. Tuy nhiên, giá hiện nay vẫn tính theo lương cơ sở của năm 2016 (1.150.000 đồng).

Ông Nam Liên cũng cho hay, theo lộ trình điều hành giá dịch vụ y tế giai đoạn 2018-2020, quý I/2018 có 14 tỉnh thực hiện giá khám chữa bệnh có tiền lương cho đối tượng không có BHYT, làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,32% so với cùng kỳ, tăng 0,09% so với tháng 12/2017. Từ 1/7/2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ nêu trên, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng), và chi phí quản lý với dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41%. Tuy nhiên, nếu CPI chung năm 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Cũng theo phân tích của ông Liên, việc điều chỉnh giá không tác động nhiều đến quỹ BHYT. Bởi, sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều; Đồng thời, nếu thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giúp giảm khoảng 15%, điều chỉnh lại cách tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư năm 2018 chuyển sang năm 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng, như vậy, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối đến năm 2020.

Việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh theo lộ trình năm 2019-2020 tiếp tục được tính gồm chi phí trực tiếp, tiền lương và chi phí quản lý. Trong năm 2020 sẽ tính thêm khấu hao vào giá để thực hiện từ năm 2021 trở đi.

Đàm phán giá thuốc để tránh độc quyền

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 -2019. Lần đầu thầu tập trung quốc gia này đã góp phần tiết kiệm khoảng 477 tỷ đồng, trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng, thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng. Tương tự, BHXH cũng đã tổ chức đấu thầu tập trung lần 1 với 5 hoạt chất (24 mặt hàng) của 4 gói thầu; góp phần tiết kiệm gần 250 tỷ đồng. “Việc tiết giảm này có được nhờ đàm phán giá thành công”, bà Tiến cho hay.

Trong năm 2018, Bộ Y tế dự kiến mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 30 thuốc có số lượng sử dụng lớn. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ sớm hoàn thành đàm phán giá 8 thuốc biệt dược gốc sử dụng nhiều với giá kế hoạch dự kiến là 2.866 tỷ đồng. Dự kiến sẽ mở rộng thêm khoảng 25 biệt dược gốc. Ngoài ra, Bộ Y tế triển khai đàm phán giá đối với 139 thuốc biệt dược gốc hết bản quyền đã có nhiều thuốc generic thay thế. Trường hợp các thuốc này đàm phán giá không thành công sẽ thực hiện đấu thầu rộng rãi với thuốc Nhóm 1.

BHXH đề xuất đấu thầu tập trung 6 nhóm vật tư y tế

Trao đổi về nội dung mở rộng đấu thầu tập trung với vật tư, thiết bị y tế trong thời gian tới, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam đã đề xuất 6 nhóm thiết bị y tế gồm: Thủy tinh thể nhân tạo, stent, khớp và ổ khớp nhân tạo, kim luồn tĩnh mạch các loại, nẹp vít và ốc vít. “Đây là loại vật tư y tế được sử dụng rất nhiều trong khi thực tế lại đang có sự chênh lệch giá khá lớn tại các bệnh viện tỉnh”, ông Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc, trong đó, có vấn đề đàm phán giá thuốc trước khi tổ chức đấu thầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi: “Tại sao lại đàm phán giá trước khi đấu thầu?” bởi như vậy là đi ngược quy luật đấu thầu, không được mới đàm phán. Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ quy trình đấu giá như thế nào, ai tổ chức, giám sát như thế nào để đảm bảo được tính công khai, minh bạch?… Trả lời những câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc đấu thầu thuốc hướng tới mục tiêu giảm chi phí thuốc từ BHYT, tránh được sự chênh lệch giữa các bệnh viện và vùng miền… “Trong thông tư và Luật Đấu thầu hiện nay có hẳn một chương về đàm phán giá. Theo tính toán của các chuyên gia, việc đàm phán giá trước khi đưa vào đấu thầu sẽ có thể giảm từ 5 - 30% với các biệt dược sử dụng nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.

Theo ông Nguyễn Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, thuốc biệt dược gốc gần như phân phối độc quyền, “một mình một sân” nên nếu đấu thầu rộng rãi cũng không mang lại kết quả. Do đó phải đặt ra vấn đề đàm phán. Ngoài thuốc biệt dược gốc, theo đại diện BHXH Việt Nam, các loại thuốc chỉ có một số đăng ký và thuốc hiếm có thể sử dụng hình thức đàm phán này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần minh bạch, chống lợi ích nhóm trong đàm phán giá và đấu thầu tập trung các loại thuốc. Bên cạnh việc đấu thầu tập trung thuốc, Phó Thủ tướng yêu cầu xem xét việc mở rộng đấu thầu vật tư y tế. Bởi, dải giá của vật tư y tế rất rộng, cùng một loại vật tư, tại nhiều địa phương, cơ sở y tế lại có các mức giá khác nhau.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.