Hồ sơ tài liệu

Lộ diện kiến trúc sư kiến tạo “giấc mơ Trung Quốc”

31/10/2017, 08:39

Ông Vương Hỗ Ninh phục vụ ở vai trò “quân sư” cho 3 đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc...

28

Ông Vương Hỗ Ninh

Trong 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, có một nhân vật không quen mặt nhưng lại được các nhà quan sát chính trị Trung Quốc xem là một trong những “kiến trúc sư” chính của “giấc mơ Trung Quốc”. Đó chính là ông Vương Hỗ Ninh.

Nhà “quân sư” cho 3 đời Tổng bí thư

Trước khi trở thành một trong những chính trị gia có quyền lực bậc nhất Trung Quốc, ông Vương Hỗ Ninh là quan chức chịu trách nhiệm về vấn đề tư tưởng, tuyên truyền và tổ chức Đảng. Đến nay, Vương Hỗ Ninh phục vụ ở vai trò “quân sư” cho 3 đời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng có cuộc sống cá nhân rất trầm lặng và kín kẽ nên không nhiều người biết về đời sống riêng của ông.

Trong cuốn hồi ký Cuộc đời Chính trị được xuất bản năm 1994 và trước khi bước chân vào con đường chính trị cấp cao, ông Vương chia sẻ rằng mình từng có mục tiêu trọn đời là tiếp tục viết sách và giảng dạy. Trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, Vương Hỗ Ninh là Phó giáo sư trẻ nhất ở tuổi 30 - chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Trước đó, ông có bằng cử nhân tại Pháp.

Nhưng, sau này, Vương Hỗ Ninh đã chuyển từ một học giả sang chính trị gia. Trong 15 năm qua, ông Vương, 62 tuổi đã đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương - cơ quan cố vấn có vai trò cực kỳ quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc  vì là nơi kết hợp giữa vai trò cố vấn chính sách quốc gia và chuẩn bị các bài phát biểu và lý luận cho lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh.

Dù không nắm trong tay quyền lực lớn, nhưng ông Vương là chuyên gia có uy tín nhất tại Trung Quốc hiện nay về lý luận và thực tiễn chính trị. Đáng chú ý, ông là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo Thuyết Ba đại diện dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Quan điểm phát triển khoa học dưới thời nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào. Và cả hai thuyết, quan điểm này đều được đưa vào trong Điều lệ sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 2007, Vương Hỗ Ninh được bầu vào Ban Bí thư Trung ương. Kết thúc nhiệm kỳ 5 năm, ông được tín nhiệm trở thành Ủy viên Bộ Chính trị. Nay, là một thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Vương Hỗ Ninh được nhận định sẽ trở thành một trong những nhân vật chủ chốt trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Báo chí phương Tây nhận định, ông Tập thực sự muốn có và duy trì một người như ông Vương để chịu trách nhiệm về ý thức hệ nhằm bổ trợ cho chương trình cải cách của ông trong cơ quan cao nhất của Đảng.

Trong năm nay, ông Vương có đôi lần xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Tập như trong Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Hạ Môn, cuộc họp G20 tại Hamburg và Hong Kong trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày sáp nhập lại Trung Quốc... Ông xuất hiện với tư cách là chuyên viên về tuyên truyền và tư tưởng nhưng vẫn có thể thấy, ông đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn trên trường quốc tế. Thậm chí, Vương Hỗ Ninh có thể trở thành gương mặt mới trong ngành quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

Kiến trúc sư “giấc mơ Trung Quốc”

Trong mắt nhiều chuyên gia như ông Chen Daoyin, nhà khoa học chính trị làm việc tại Thượng Hải, “ông Vương là nhà cố vấn, một người sống khép kín”. Nhưng đồng thời, ông được đánh giá là một trong những kiến trúc sư kiến tạo “giấc mơ Trung Quốc” - tầm nhìn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy rộng rãi trong công cuộc đổi mới Trung Quốc.

Dù ít khi xuất hiện trước công chúng nhưng quan điểm và lý luận của ông từ lâu đã khá được coi trọng. Ông Vương đã xuất bản rất nhiều sách về nghiên cứu tư tưởng chính trị. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông ủng hộ chủ trương “Chính phủ tập trung”.

Theo 1 trong 7 người quyền lực nhất Trung Quốc, chỉ có Chính phủ như vậy mới “có thể duy trì ổn định, thúc đẩy phát triển cũng như dần dần mở rộng các nguyên tắc dân chủ nội tại”. Theo ông, “mô hình này cho phép nhà cầm quyền phản ứng nhanh, mạnh với các vấn đề đột biến, ngăn chặn phân hóa và biến động xã hội trong quá trình hiện đại hóa”.

Bài nghiên cứu Phân tích về cách thức lãnh đạo chính trị trong thời kỳ hiện đại hóa (năm 1986) đưa ông Vương lọt vào mắt xanh của ông Giang Trạch Dân, người trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm 1989. Ở phần kết, ông Vương nhấn mạnh, một xã hội trải qua sự phát triển kinh tế nhanh và hiện đại hóa sẽ đối mặt với các cuộc xung đột tăng cao và nhu cầu lớn hơn về dân chủ. “Khi xã hội đạt đến giai đoạn này, cải cách chính trị là tất yếu”, ông Vương viết.

Dù không nêu cụ thể khi nào có thể diễn ra cải cách chính trị nhưng quan điểm đó phần nào củng cố về lý tưởng đối với các chương trình cải cách ít nhất là về chính sách phát triển kinh tế, thu vén ảnh hưởng đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong bài phát biểu khai mạc tại Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập nhấn mạnh các quan chức đại diện nhân dân cần phải “trang bị cho bản thân lý luận tốt hơn” và “nhanh chóng phát triển triết lý và khoa học xã hội với những đặc sắc của riêng Trung Quốc”.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.