Thế giới giao thông

Lo độc quyền, tăng giá khi Grab và Gojek sáp nhập

07/12/2020, 06:24

Khả năng cao Gojek lại sáp nhập vào Grab, một lần nữa đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề độc quyền cạnh tranh, tăng giá dịch vụ.

img

Grab và Gojek đã đạt được nhiều bước tiến để về một nhà

Sau khi 2 gã khổng lồ Grab và Uber tại châu Á sáp nhập, Gojek - ứng dụng phát triển nhất tại Indonesia nổi lên với kỳ vọng là đối thủ đáng gờm của Grab trong khu vực, hạn chế nguy cơ Grab vươn lên làm bá chủ. Song chỉ trong một thời gian ngắn, khả năng cao Gojek lại sáp nhập vào Grab, một lần nữa đặt ra nhiều lo ngại về vấn đề độc quyền cạnh tranh, tăng giá dịch vụ.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt

Hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, đầu tháng 12 này, hai công ty đặt xe qua ứng dụng điện thoại đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong tiến trình phác thảo thoả thuận sáp nhập 2 doanh nghiệp. Nếu thành công, đây sẽ thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực ứng dụng nền tảng internet trên hệ thống di động lớn nhất Đông Nam Á.

Theo nguồn tin của Bloomberg, bước tiến lớn nhất đó là hai công ty khởi nghiệp giá trị nhất khu vực Đông Nam Á đã thu hẹp những quan điểm khác biệt nhưng vẫn cần bàn bạc kỹ hơn để đi tới thoả thuận cuối cùng.

Theo đó, các lãnh đạo cấp cao nhất đến từ 2 công ty đang phác thảo những chi tiết cuối cùng của hợp đồng cùng với sự tham gia của ông Masayoshi Son đến từ Tập đoàn SoftBank, một trong những nhà đầu tư lớn của Grab.

Grab cùng Gojek đã, đang rơi vào cuộc cạnh tranh đắt đỏ và khốc liệt nhất, chiếm thế độc quyền trong các lĩnh vực kinh doanh từ giao nhận thực phẩm, thanh toán điện tử trong vài năm trở lại đây.

Từ lâu, một số nhà đầu tư của cả hai đã đề nghị sáp nhập hoạt động tại khu vực Đông Nam Á, giảm bớt chi tiêu cho khuyến mại để cạnh tranh và tạo thành một trong những công ty mạng quyền lực nhất trong khu vực.

Grab đang có mặt tại 8 quốc gia trong khu vực, được định giá hơn 14 tỉ USD trong lần định giá mới nhất còn Gojek có giá trị 10 tỉ USD, hiện diện tại Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

SoftBank đã tích cực thúc đẩy hai bên đi đến thoả thuận sau chuyến thăm của ông Son tại Indonesia hồi tháng 1. Nhưng, khi đó, ông Son đã nhận lại thất vọng vì tiến trình đàm phán không đạt hiệu quả.

Nguyên nhân có thể do bản chất cạnh tranh nhau từ trước và sự bất đồng cá nhân giữa lãnh đạo hai bên nên các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc. Song, chính sự trỗi dậy của một thế lực mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán số là Sea Ltd. đã bơm thêm động lực khiến Grab-Gojek tiếp tục đàm phán.

Nền tảng thương mại điện tử phát triển Shopee (thuộc Sea Ltd.) đã hỗ trợ cho dịch vụ ví điện tử của Singapore là Shopee Pay giúp dịch vụ này giành được thị phần chỉ trong chớp mắt, đặt ra thách thức cho các dịch vụ thanh toán như GoPay (của Gojek) và Ovo mà Grab hậu thuẫn tại Indonesia.

Nguy cơ tăng giá, độc quyền

Để đi vào thực tế, thương vụ sáp nhập giữa hai công ty cung cấp ứng dụng đặt xe lớn nhất khu vực cần nhận được sự đồng ý của cơ quan chức năng.

Chẳng hạn tại Việt Nam, hiện tại Grab đang nắm giữ 70% thị phần gọi xe, theo công ty nghiên cứu thị trường New York ABI Research. Do đó, trong trường hợp sáp nhập, Grab phải thông qua Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam.

Trong thương vụ sáp nhập năm 2018 giữa Uber và Grab, hai công ty này được thông qua tại Việt Nam nhưng đã lại bị phạt tại rất nhiều quốc gia. Điển hình, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore phạt thương vụ Uber-Grab tại Đông Nam Á tới 13 triệu đô-la Singapore (tương đương 9,5 triệu USD).

Tại Philippines, ban đầu Ủy ban Cạnh tranh nước này đồng ý để hai bên sáp nhập với một số điều kiện liên quan tới giá và chất lượng dịch vụ. Song, 2 tháng sau, vì Grab-Uber không đạt được các điều kiện trên nên bị áp mức phạt tới gần 300.000USD.

Trong trường hợp hai gã khổng lồ đặt xe tại Đông Nam Á không còn cạnh tranh với nhau, họ chắc chắn sẽ không đua nhau tung ra những mã khuyến mại hấp dẫn với người dùng như trước.

Còn khả năng có xảy ra tình trạng độc quyền nâng giá hay không còn phụ thuộc vào việc quản lý của từng quốc gia. Ngoài ra, thị trường các nước hiện nay cũng rất mở cửa cho các công ty mới phát triển, để tạo động lực cạnh tranh. Thực tế, tại Singapore, có thời điểm, chỉ trong vài tuần đã có gần chục ứng dụng gọi xe gia nhập.

Mục đích sáp nhập là trở thành công ty đại chúng

“Có thể sau sáp nhập, người đồng sáng lập Grab là ông Anthony Tan sẽ trở thành giám đốc điều hành công ty mới. Các giám đốc điều hành của Gojek sẽ vận hành hoạt động kinh doanh sau kết hợp giữa hai bên tại Indonesia dưới nhãn hiệu Gojek”, Bloomberg dẫn một nguồn tin thân cận cho biết.

Cuối cùng, mục đích của việc sáp nhập là đưa liên danh trở thành một công ty đại chúng. Các đại diện của Grab, Gojek và SoftBank hiện vẫn từ chối bình luận. Nội dung đàm phán vẫn có thể thay đổi và chưa đạt bất cứ giao dịch nào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.