Đường bộ

Điều chuyển khối lượng nhiều nhà thầu yếu làm chậm cao tốc Bắc - Nam

Nhiều nhà thầu yếu về năng lực tài chính và tổ chức thi công tại dự án cao tốc Bắc - Nam đã và đang bị xem xét điều chuyển khối lượng công việc.

Nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, theo kế hoạch năm 2022, 4/10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 phải về đích, song, tính đến nay, 2/4 dự án là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.

img

Việc điều cắt chuyển khối lượng thi công các nhà thầu yếu kém nhằm đảm bảo cho dự án cao tốc Bắc - Nam cán đích đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ GTVT - Ảnh minh họa

Trước thực trạng đó, hàng loạt nhà thầu yếu kém đã bị các Ban QLDA cắt chuyển khối lượng công việc.

Cụ thể, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, trong tháng 3 và tháng 4/2022, Ban QLDA 7 đã thực hiện cắt chuyển tổng cộng 16,5km do các nhà thầu phụ và tổ đội yếu kém đảm nhận và yêu cầu nhà thầu chính trực tiếp thi công.

Tính đến ngày 13/4/2022, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện sản lượng thi công đạt khoảng 32,2%, chậm hơn 13% so với kế hoạch điều chỉnh.

Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây sau gần 2 năm thi công, sản lượng đến nay đạt gần 39%, chậm hơn 1% so với kế hoạch điều chỉnh.

Trong đó, tại gói thầu XL01, điều chuyển 1km thi công nền đường (50% khối lượng thi công theo hợp đồng) của thầu phụ Công ty CP Giao thông Xây dựng số 1 cho thầu chính là Công ty CP Đạt Phương thực hiện.

Tại gói thầu XL-02, điều chuyển 1,5 km hạng mục nền đường do nhà thầu Cường Thịnh Thi (1,1 km) và nhà thầu Viễn Đông (0,4km) cho nhà thầu Hải Đăng thi công.

Ban QLDA 7 cũng đồng thời cắt toàn bộ khối lượng 4 km nền đường (Km168 - Km172) do tổ đội yếu kém phụ trách và yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc trực tiếp thi công.

Tại gói thầu XL-04, cắt phần khối lượng 10 km nền đường do tổ đội yếu kém thi công và yêu cầu Vinaconex trực tiếp thi công 6 km, Công ty VNCN EC thi công 4 km.

Đối với dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, tiến độ chung cũng bị ảnh hưởng khi đa số các gói thầu thiếu thiết bị mở thêm mũi thi công. Điển hình, tại gói thầu số 1, nhà thầu Tổng công ty XDCT giao thông 8 (Cienco8) và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc vẫn thiếu kinh phí mua vật liệu.

“Ban QLDA Thăng Long sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi tình hình tổ chức thi công của các nhà thầu. Nếu đến ngày 30/4/2022, sản lượng thi công không được cải thiện. Ban sẽ báo cáo Bộ GTVT cắt chuyển khối lượng do các nhà thầu này phụ trách”, đại diện Ban QLDA Thăng Long thông tin.

Đáng chú ý, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn dù đang có tiến độ đáp ứng kế hoạch điều chỉnh, song, thời gian qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh vẫn ban hành văn bản cảnh báo và nhắc nhở 9 nhà thầu có tâm lý chủ quan trong điều hành thi công, có nguy cơ làm trễ tiến độ.

Cụ thể, Ban QLDA đã nhắc nhở các nhà thầu phụ là Công ty 388 và Công ty Tân Thành, yêu cầu các nhà thầu chính là Công ty Hòa Hiệp, Công ty 122 Vĩnh Thịnh tăng cường thi công khi thầu phụ không đáp ứng tiến độ.

Một số nhà thầu cũng được đưa vào diện cảnh báo như: Tổng công ty 319 và nhà thầu phụ Hoàng Nguyên, Tổng công ty 36 và nhà thầu phụ Công ty Nhạc Sơn; Công ty Hà An, Công ty Thành Phát, Cienco5 và thầu phụ Công ty Đại Hiệp, Công ty 471 và nhà thầu phụ Công ty Bảo Sơn.

Bên cạnh đó, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng điều chuyển khối lượng 560m của công ty TNHH Hoàng Nguyên và đường đầu cầu của Công ty TNHH Vinh Khải tại gói thầu XL3 cho Công ty CP Xây dựng dịch vụ và thương mại 68.

Điều chuyển khối lượng 500m của Công ty Tân Thành cho Công ty 122 Vĩnh Thịnh và đường đầu cầu thuộc gói thầu XL5 của Công ty 388 cho Công ty Hòa Hiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.