Xã hội

Lỗ hổng dạy lái dùng chứng chỉ giả

16/03/2020, 06:06

Có lỗ hổng trong việc xác minh văn bằng, chứng chỉ đối với giáo viên dạy lái xe, bởi không dễ để xác định việc họ dùng văn bằng thật hay giả.

img
Trường Dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới tạm đóng cửa. Ảnh: Đỗ Loan

Cả nước hiện có khoảng hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với 20.000 giáo viên. Sau sự việc 83 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả tại TP HCM bị phát hiện, không ai dám chắc thực trạng này có diễn ra ở các cơ sở khác hay không. Thực tế cho thấy, có “lỗ hổng” trong việc xác minh văn bằng, chứng chỉ đối với giáo viên dạy lái xe, bởi không dễ để xác định việc họ dùng văn bằng thật hay giả.

Đình chỉ tuyển sinh 2 tháng

Theo quy định tại Nghị định 65/2016, điều kiện đối với giáo viên dạy lý thuyết tại các cơ sở đào tạo lái xe là phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô; Trình độ A về tin học trở lên; Giáo viên dạy môn Kỹ thuật lái xe phải có GPLX tương ứng hạng xe đào tạo trở lên.

Điều kiện giáo viên dạy thực hành phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp; Giáo viên dạy lái xe ô tô phải có GPLX hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2.

Giáo viên dạy lái xe phải trải qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.


Sáng 13/3, ghi nhận của PV tại Trường Dạy lái xe Thống Nhất ở quận 10, TP HCM, văn phòng đã đóng cửa, không còn cảnh người ra vào tấp nập đăng ký như mọi ngày. Đây là một trong 5 cơ sở bị xử phạt vì tuyển dụng giáo viên sử dụng bằng giả. Tương tự, tại Trường Dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới trên đường Tản Đà, quận 5, văn phòng này cũng đóng cửa im lìm.

Trao đổi với PV, ông Phạm Thành Danh, Phó hiệu trưởng Trường Dạy lái xe Thống Nhất cho biết, sau khi có kết luận xử phạt sai phạm, trường vẫn hoạt động bình thường, chỉ không được tuyển sinh khóa mới trong 2 tháng. “Hiện, trường đã sa thải 29 giáo viên, cơ quan công an cũng đang điều tra về việc này”, ông Danh nói.

Ông Nguyễn Đình Mạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe Hiệp Phát cho biết, cơ sở đã cho các giáo viên sử dụng chứng chỉ giả nghỉ việc. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ hồ sơ của hơn 200 giáo viên, qua đó phát hiện thêm một số trường hợp bằng cấp không đúng theo quy định và họ cũng đã tự xin nghỉ.

Theo ông Mạnh, trường không có chuyên môn để xác minh bằng cấp, từ trước đến nay cũng chưa có quy định đơn vị tuyển dụng phải đi làm công việc xác minh bằng thật hay giả.

“Chúng tôi tuyệt đối không tiếp tay hoặc buông lỏng trong công tác tuyển sinh giáo viên. Sau khi xảy ra sự việc trên trung tâm cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tuyển dụng. Trong thời gian chờ xác minh chứng chỉ, các giáo viên phải ký cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có những sai phạm”, ông Mạnh khẳng định.

Xác minh bằng thật - giả quá khó?

5 cơ sở đào tạo lái xe tại TP HCM bị phát hiện có giáo viên sử dụng bằng giả gồm:

Trung tâm Dạy nghề lái xe Tiến Phát (có 5/5 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả);

Trung tâm Dạy nghề lái xe Hiệp Phát (có 38/44 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả);

Trường Dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có 1 người (trong số 7 giáo viên) sử dụng chứng chỉ giả;

Trường Dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10/12 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả;

Trường Dạy lái xe Thống Nhất có 29/33 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Cả 83 giáo viên dùng văn bằng, chứng chỉ giả đều đã bị sa thải.


Hiện trên địa bàn TP HCM có 73 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, với 6.576 giáo viên dạy thực hành lái xe. Trong 2 năm (2018-2019), Sở GTVT đã cấp tổng cộng hơn 1 triệu GPLX, chiếm khoảng 23% tổng số lượng GPLX đã cấp trên toàn quốc.

Khi PV đặt câu hỏi, việc xác minh văn bằng của các giáo viên dạy lái xe có gặp khó khăn, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho biết, thực tế việc gửi văn bản yêu cầu và chờ thời gian xác minh rất khó khăn.

Vì hiện nay, trên địa bàn cả nước có rất nhiều trường đào tạo cấp bằng trung cấp và cao đẳng trở lên. Thực tế chỉ có khoảng 15 - 20% các trường trả lời. Sở cũng đã thấy trước việc này và đã yêu cầu các cơ sở tự tổ chức xác minh khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ.

Theo ông An, để tránh việc các cơ sở tuyển dụng những giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng giả, Sở đã ban hành 2 văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo rà soát chấn chỉnh hiện tượng này.

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và đào tạo giấy phép lái xe, Sở GTVT TP HCM cũng cho biết, các cơ sở đào tạo khi tuyển dụng phải xác minh bằng cấp đủ tiêu chuẩn mới sử dụng lao động.

Nếu không xác minh mà vẫn sử dụng thì sẽ bị xử lý theo quy định (phạt hành chính và đình chỉ tuyển sinh). Còn người sử dụng văn bằng chứng chỉ giả cũng bị xử lý kỷ luật, buộc thôi việc hoặc xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Dạy nghề Tiến Bộ cho biết, công tác xác minh bằng thật, giả không quá lâu, đơn vị đã làm cách đây 6 tháng và chỉ mất 48 giờ là có kết quả xác minh.

“Để có kết quả xác minh nhanh, các trung tâm phải cử người đến tận nơi để xác minh chứ đợi kết quả qua đường bưu điện thì đến bao giờ?”, ông Dũng nói và cho rằng, đối với những giáo viên sử dụng văn bằng giả thì phải mạnh tay sa thải chứ không thể cho đứng bục giảng để dạy hoặc hướng dẫn học viên.

Sẽ báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh lại tiêu chuẩn

img
Giáo viên dạy thực hành hướng dẫn thí sinh thi sát hạch tại Trường Dạy nghề Tiến Bộ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, bình thường không ai đến tận cơ sở cấp bằng, chứng chỉ để xác minh là thật hay giả. “Đây cũng không phải là quy định bắt buộc nên chỉ trong trường hợp có nghi vấn, phản ánh mới xác minh”, ông Thống thông tin.

Cũng theo ông Thống, cả nước có khoảng hơn 300 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 20.000 giáo viên. Bước đầu, Tổng cục Đường bộ VN đã yêu cầu các Sở GTVT trong cả nước rà soát, kiểm tra, xác minh việc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ của toàn bộ giáo viên các trung tâm đào tạo lái xe trên địa bàn quản lý.

Trên cơ sở đó, Tổng cục sẽ kiểm tra lại việc quản lý, sử dụng giáo viên của tất cả các Sở GTVT theo yêu cầu nêu trên. Qua đó, Tổng cục sẽ biết được thực chất của đội ngũ giáo viên hiện nay.

Tuy nhiên, ông Thống cho rằng, theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 1/5 tới, nhiều cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ ngoại ngữ tin học A, B, C sẽ phải đóng cửa, nên sẽ rất khó xác minh. Bên cạnh đó, cán bộ được giao làm nhiệm vụ này tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe không có chuyên môn về thẩm định giấy tờ, bằng cấp nên họ khó phân biệt được thật, giả.

Ông Thống cũng cho biết, Bộ LĐ,TB&XH quy định, tất cả giáo viên nói chung và giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô nói riêng phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô chỉ là người truyền dạy kỹ năng thực hành lái xe cho học viên, các phần kiến thức khác đều do đội ngũ giáo viên có đủ tiêu chuẩn theo quy định đảm nhiệm.

“Tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT để thống nhất với Bộ LĐ, TB&XH điều chỉnh lại tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe thực hành theo hướng bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho phù hợp với thực tế, tránh lãng phí cho xã hội”, ông Thống nói.

Thầy “dỏm” sẽ tạo ra trò “dỏm”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cùng cho rằng, đối với các trường hợp giáo viên dạy lái xe ở TP HCM mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, cần chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý.

ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cũng đánh giá, việc các giáo viên dạy lái xe sử dụng bằng cấp giả là hết sức nguy hiểm. Nghề đào tạo lái xe ở phương diện nào đó giống như đào tạo bác sỹ. Lái xe trên đường không chỉ liên quan đến tính mạng của riêng người lái mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng của nhiều người khác lưu thông trên đường.

“Phải chăng do những thầy “dỏm” như vậy nên mới đào tạo ra trò cũng “dỏm”, là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thảm khốc thời gian qua?”, ông Phương đặt vấn đề và cho rằng, cần thiết phải quy định cụ thể các cơ sở đào tạo lái xe phải xác minh việc thật - giả của bằng cấp của các giáo viên, không thể để như hiện nay.

V.Huế - P.Đô

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.