Thị trường

Lỗ hổng dự án BT: Kiểm tra là ra sai phạm

26/07/2017, 07:35

Các nhà đầu kê đội mức tổng đầu tư đề phòng khi qua khâu thẩm duyệt, sẽ bị điều chỉnh hạ xuống là... vừa.

16

Nút giao Long Biên là một trong những dự án BT của Hà Nội bị đội vốn - Ảnh: Nhật Quang

Lỗ hổng thất thoát nghìn tỷ từ dự án BT

Lỗ hổng dự án BT: Nhà nước thiệt đơn, nhà đầu tư lợi kép

Giai đoạn năm 2010-2012 là thời điểm Hà Nội bùng nổ các dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, qua đó giúp Hà Nội thu hút một nguồn vốn lớn đầu tư kết cấu hạ tầng từ xã hội. Tuy nhiên, rất nhiều sai phạm đã không được chỉ mặt đặt tên khi cơ quan thanh tra vào cuộc.

440ha đất đổi 11km đường và…

Tính đến cuối năm 2015, trên toàn Hà Nội có 15 dự án BT đã ký hợp đồng. Tới nay, mới có 7 dự án được hoàn thành (Bảo tàng Hà Nội, Cung Trí thức, đường trục phát triển Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Trạm Xử lý nước thải Hồ Tây và tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên) với tổng mức đầu tư khoảng 11.728 tỷ đồng, tương ứng khoảng 11km đường, 46.168m2 diện tích sàn xây dựng và xử lý nước thải khoảng 215.000 m3/ngày đêm. Chưa kể dự án hoàn vốn cho Cung Trí thức, 6 dự án BT còn lại đã được UBND TP Hà Nội “trả” cho các nhà đầu tư khoảng 440ha đất đối ứng.

Kết quả thanh tra của các cơ quan như Bộ KH&ĐT và Thanh tra Chính phủ đều cho thấy, “sờ” đâu sai đó. Cụ thể, giai đoạn năm 2008 đến tháng 9/2012, UBND TP Hà Nội không xây dựng, công bố rộng rãi danh mục đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT, vi phạm quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án. Trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT đã ký hợp đồng tại Hà Nội, chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại đều chỉ định thầu. Đáng nói, khi trình xin chủ trương, Hà Nội không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án BT.

Trong khi đó, việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định thầu và thẩm định, đánh giá năng lực thực hiện dự án của UBND TP Hà Nội cũng có rất nhiều vấn đề. Đơn cử dự án đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An do Công ty Cổ phần Bitexco thực hiện. Báo cáo tài chính của Bitexco thể hiện vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư có thể tham gia vào dự án là hơn 244,2 tỷ đồng, tuy nhiên, công ty đã sử dụng hơn 108,5 tỷ đồng để hình thành tài sản. Do đó, khoản vốn khả thi của Bitexco có thể tham gia dự án BT trước thời điểm UBND TP Hà Nội chỉ định nhà đầu tư chỉ hơn 135,6 tỷ đồng, chỉ đạt 38,8% giá trị tổng mức đầu tư dự án. Tương tự, do thiếu năng lực, nên một số dự án BT dù đã ký hợp đồng, đang thi công hoặc chưa nhưng cũng không thể tiếp tục triển khai, buộc phải thanh lý chấm dứt hợp đồng như: Đường Đỗ Xá - Quan Sơn, đường từ Thành Cổ - Đền Và...

Vì sao hàng loạt dự án BT đội vốn?

Về việc phê duyệt dự án, tổng mức đầu tư và dự toán, nếu áp theo đúng quy định của Bộ Xây dựng, nhiều dự án BT của Hà Nội đã bị áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, dẫn đến làm sai, tăng giá trị công trình. Tiêu biểu là dự án nút giao thông Long Biên do Công ty Cổ phần Him Lam là nhà đầu tư. Qua kiểm tra cho thấy, công tác lập, thẩm tra và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa đúng do tính khối lượng sai, làm tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 34,3 tỷ đồng. Theo đó, hàng chục đầu mục đã được nhà đầu tư không biết cố tình hay vô ý tính thừa làm gia tăng giá trị dự án như: Thừa gần 298 tấn thép ga hào kỹ thuật làm tăng hơn 8,4 tỷ đồng; thừa gần 2.000m3 bê tông ga hào kỹ thuật tàm tăng hơn 5 tỷ đồng; thừa 940m dài cọc khoan nhồi làm tăng hơn 16,4 tỷ đồng; thừa hơn 68 tấn lan can thép làm tăng hơn 4,4 tỷ đồng...

“Mất nhiều đất mới có được một đoạn đường”:

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàubị kỷ luật Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” từ tháng 4/1992. Sau 8 năm thực hiện, cơ chế mới này đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu huy động được 1.700 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với mức đầu tư từ ngân sách 40 tỷ đồng/năm), góp phần thay đổi mặt bằng hạ tầng của địa phương. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách này dẫn đến lãnh đạo tỉnh đã bị thi hành kỷ luật. “Không phải vô cớ khi có ai đó nói rằng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải mất quá nhiều đất mới có được một đoạn đường”, ông Võ nhận xét.

Đáng chú ý, khi thẩm tra, Viện Kinh tế (Bộ Xây dựng) lại không phát hiện những sai sót trong việc tính toán khối lượng dự toán và áp dụng đơn giá định mức. Điều này dẫn đến chênh lệch, tăng so với giá trị thẩm định của Sở GTVT Hà Nội số tiền hơn 12,3 tỷ đồng.

Tương tự, dự án đường bao quanh Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác, do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng làm tăng số tiền gần 16 tỷ đồng; Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương cũng bị đội giá trị hợp đồng lên hơn 19,5 tỷ đồng; Dự án đường trục phát triển phía Nam Hà Tây tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án này không có cơ sở, dẫn đến giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng; Dự án đường Hà Nội - Hưng Yên (đoạn qua địa phận Hà Nội dài 4,2km) đã bị tính tăng không đúng quy định hơn 37 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước Yên Sở tăng hơn 67 triệu USD...

Lý giải vì sao khi lập dự toán dự án BT, tổng mức đầu tư luôn bị “kê” đội lên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, một nhà đầu tư (xin được giấu tên) cho biết: “Thực tế khi lập dự toán, các nhà đầu tư luôn có tâm lý kê đội mức tổng đầu tư lên đề phòng khi qua khâu thẩm duyệt, sẽ bị điều chỉnh hạ xuống là... vừa”.

Tuy nhiên, thực tế hầu hết tổng mức đầu tư ban đầu do nhà đầu tư lập đều “lọt” qua các khâu thẩm định và được phê duyệt. Những sai sót hầu hết chỉ được phát hiện khi thanh tra chuyên ngành hoặc Kiểm toán Nhà nước vào cuộc như Báo Giao thông đã phản ánh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.