Thế giới giao thông

Lỗ hổng luật khiến tài xế ở Anh bị phạt oan 30 năm

11/04/2021, 19:05

Chính phủ Anh vừa thừa nhận một lỗ hổng pháp lý trong Luật Quản lý giao thông đường bộ tồn tại suốt 30 năm mà không ai hay biết.

img

Quy định về quyền kéo, tạm giữ và tiêu hủy phương tiện của cảnh sát và các cơ quan chức năng địa phương tại Anh bị xóa khỏi Luật Quản lý giao thông đường bộ trong suốt 30 năm mà không ai hay biết

Một sự việc khiến nhiều người kinh ngạc khi Chính phủ Anh vừa thừa nhận một lỗ hổng pháp lý trong Luật Quản lý giao thông đường bộ tồn tại suốt 30 năm mà không ai hay biết. Từ đây, những chủ xe từng bị phạt tiền, phải nộp phí cẩu kéo, tạm giữ và tiêu hủy xe có thể đòi lại số tiền mà họ đã từng phải nộp.

Do... lỗi soạn thảo

Trong hơn 30 năm qua, việc phương tiện dừng đỗ trái quy định, xe vô chủ, phương tiện vi phạm bị cảnh sát giao thông, lực lượng chức năng địa phương trên khắp Vương quốc Anh cẩu, kéo đi là hết sức bình thường. Đây là quy định trong Luật Quản lý giao thông đường bộ Anh năm 1984.

Tuy nhiên, tất cả lại trở thành bất thường khi Chính phủ Anh vừa công bố Dự luật Cảnh sát, tội phạm, kết án và tòa án vào tháng trước, trong đó thừa nhận một lỗi sai nghiêm trọng, gây ra lỗ hổng pháp lý trong thực thi Luật Quản lý giao thông đường bộ suốt 30 năm qua.

Bản chú giải đi kèm dự luật trên nêu rõ: Quyền cảnh sát được phạt tiền đối với chủ phương tiện bị kéo xe, lưu giữ và tiêu hủy trong phạm vi cưỡng chế dân sinh liên quan tới vi phạm đỗ xe, dường như đã vô tình bị xóa đi do lỗi soạn thảo vào năm 1991...

Cùng lúc, một số quyền của cơ quan chức năng địa phương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan quản lý đường cao tốc được phép phạt tiền đối với các chủ phương tiện có xe bị kéo đi, tạm giữ và tiêu hủy, cũng “vô tình bị xóa”.

Mặc dù vậy, Bộ Nội vụ Anh khẳng định, cảnh sát Vương quốc Anh đã, đang và luôn có quyền tiếp tục tính phí cẩu kéo, lưu giữ và tiêu huỷ xe vi phạm để đảm bảo an toàn đường phố.

Người phát ngôn Bộ Nội vụ Anh nói thêm, cơ quan này “không có kế hoạch đánh giá lại cách thức thực hiện quyền lực trên trong 30 năm qua”. Điều khoản bị xóa nhầm sẽ được khôi phục khi Dự luật Cảnh sát, tội phạm, kết án và tòa án được thông qua, dự kiến vào năm 2022.

Lỗi nghiêm trọng

Trong khi đó, một số chuyên gia luật, đại diện cho các chủ phương tiện cơ giới đã lên tiếng chỉ trích chính phủ và kêu gọi các chủ xe khiếu nại đòi bồi thường số tiền đã bị phạt trong thời gian luật có sai sót.

Bà Jeanette Miller, Hiệp hội Luật sư về vi phạm với xe cơ giới Anh đánh giá, đây là lỗi nghiêm trọng trong tư pháp, khiến cho hàng triệu chủ phương tiện bị phạt trong khi không dựa trên bất cứ cơ sở luật pháp nào.

Ông Howard Cox, thuộc Nhóm vận động kêu gọi giảm phí với phương tiện chạy nhiêu liệu xăng và diesel- Fair Fuel UK cho rằng: “Những chủ xe bị phạt tiền phi lý trong 30 năm qua nên đề nghị đòi bồi thường toàn bộ chi phí tịch thu phương tiện mà họ đã phải chịu”.

Theo ông Cox, vấn đề ở đây không phải là đánh giá đúng/sai về hành động của cảnh sát hay các cơ quan chức năng, mà cần nhấn mạnh vào sự tắc trách của họ. “Các cơ quan liên quan và những người có trách nhiệm cần phải trả giá cho sai lầm này”, ông Cox nói thêm.

Thông thường, khi cẩu kéo một phương tiện vi phạm hoặc xe vô chủ... cảnh sát và các lực lượng chức năng địa phương, cơ quan đường cao tốc có thể phạt tới 150 bảng Anh/phương tiện (khoảng 4,7 triệu VNĐ). Chủ xe còn có thể bị phạt tới 20 bảng Anh/ngày (gần 640 nghìn VNĐ) vì phí lưu xe và 75 bảng Anh (khoảng 2,4 triệu VNĐ) để tiêu hủy phương tiện. Mức phí có thể cao hơn tùy thuộc vào mức độ hư hại và kích thước của phương tiện.

Có thể phải đền bù hàng triệu bảng?

Theo tờ DailyMail, trong trường hợp mỗi lái xe có thể chứng minh phương tiện của mình bị kéo đi và phải nộp phạt tới hàng trăm bảng Anh trong thời gian luật bị hổng, họ có thể yêu cầu đòi bồi thường số tiền đã nộp phạt. Các lực lượng cảnh sát, giới chức địa phương và một số cơ quan quản lý đường cao tốc có thể đối mặt với các khoản bồi thường lên tới hàng triệu bảng Anh.

Dẫu vậy, bà Miller cho rằng, rất khó nói điểm nào trong luật cho phép chủ xe đòi cảnh sát, cơ quan chức năng địa phương bồi thường. “Luật pháp Anh đặt giới hạn thời gian để theo đuổi một cáo buộc đòi bồi thường dân sự là 6 năm, nhưng có thể tính từ khi bắt đầu vi phạm hoặc từ thời điểm biết đến vi phạm”, bà Miller giải thích.

Hiện tại để tính toán cụ thể bao nhiêu xe đã bị cẩu, kéo đi và chịu phạt trong 30 năm là điều bất khả thi, vì Anh không thống kê số liệu chính thức về vấn đề này.

Hội đồng thành phố Manchester từng công bố dữ liệu cho thấy, đã có 985 phương tiện bị dính vé phạt, bị kéo đi và tiêu hủy riêng trong khu vực này vào năm 2017.

Hay tại quận Hackney, London, chính quyền sở tại đã cẩu kéo tổng cộng 14.673 xe trong giai đoạn từ năm 2011- 2015. Như vậy, tính sơ sơ trong 3 thập kỷ, có tới vài triệu phương tiện liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.