Quản lý

Lỗ hổng nào cho "cò" chèo kéo khách tại bến Ninh Kiều?

26/04/2018, 16:11

Hơn 150 phương tiện tàu khách nhưng chỉ có 25 phương tiện đăng ký vào bến, còn130 phương tiện hoạt động chui.

Untitled

Bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban ATGT TP Cần Thơ kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Lê An

Ngày 26/4, Thường trực Ban ATGT TP Cần Thơ đã có buổi làm việc đột xuất cùng các sở, ban, ngành chức năng có liên quan nhằm tìm ra giải pháp giải quyết tình trạng các "cò" tàu thuyền chèo kéo khách tại điểm tham quan du lịch bến Ninh Kiều (TP Cần Thơ) trong thời gian qua.

“Cò” được hợp thức hóa

Thực tế cho thấy, nạn “cò” chèo kéo khách du lịch tại bến Ninh Kiều đi tham quan chợ nổi không phải chỉ mới xuất hiện. Mặc dù UBND TP đã có sự chỉ đạo sát sao tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Bà Trần Thị Xuân, Phó trưởng Ban ATGT TP thông tin, cuối năm 2016, đầu năm 2017, đơn vị cùng các ngành có liên quan đã tổ chức nhiều buổi làm việc nhằm tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, tuy nhiên đến nay cũng chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi dù các đơn vị hữu quan đã cố gắng sát sao trong việc kiểm tra, cấp phép ra vào cho các phương tiện nhưng cái gốc của vấn đề là nằm ở khâu quản lý phương tiện ra vào bến từ phía Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ.

Ông Nguyễn Tấn Khải, đại diện đơn vị quản lý Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ thông tin, hiện tại nơi đây chỉ tiếp nhận được 25 phương tiện đăng ký bến, tài. Thực tế, vẫn còn trên 130 phương tiện dù hoạt động nhưng lại không chịu vào bến.

Bên cạnh đó, ông Khải cũng cho hay, thường thì khách du lịch tự đăng ký trước với đơn vị quản lý. Nơi đây sẽ sắp xếp cho các phương tiện chạy theo tài. Nhưng lại có trường hợp khách tự đăng ký với các chủ phương tiện (trong đó có 130 phương tiện không vào bến). Sau đó, các chủ phương tiện này sẽ báo lại với đơn vị quản lý. Đơn vị sẽ cấp giấy cho chủ phương tiện rời bến.

Rõ ràng có thể thấy, lỗ hổng để cho các “cò” chéo kéo khách xuất phát từ khâu quản lý các phương tiện. Vấn đề khó hiểu là vì sao 130 phương tiện này mặc dù không chịu vào bến nhưng khi được báo về rằng đã được nhận đủ khách thì đơn vị quản lý của Công ty lại cấp giấy cho phép tàu rời bến.

Trung tá Nguyễn Hoàng Sa, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy (PC68) Công an Cần Thơ nhận định, công tác quản lý tại bến tàu còn khá nhiều sơ hở, từ đó gây khó khăn cho công tác xử lý. Dù lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhưng không thể xử lý vì các phương tiện đã đưa ra được tất cả các giấy tờ hợp lệ.

Đại diện các đơn vị gồm Thanh Tra Sở GTVT, Thanh tra Cảng đường thủy nội địa Việt Nam cùng Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV cho hay họ chỉ cấp phép rời bến cho các phương tiện căn cứ vào tờ trình hợp lệ từ đơn vị quản lý. “Họ có giấy phép xuất bến thì khi chúng tôi kiểm tra làm sao xử lý được. Theo đó các đơn vị chức năng yêu cầu Công ty Du lịch quản lý phương tiện giao thông thủy phải giống như các mà các bến xe quản lý, phương tiện nào không đăng ký tài bến như xem như phương tiện dù và không cho hoạt động tại bến”. Các đơn vị chức năng có cùng quan điểm.

IMAG0518

Cảnh du lịch Ninh Kiều. Nơi thường xuyên xuất hiện tình trạng "cò" chèo kéo khách. Ảnh: Lê An

Chỉ mời gọi rất khó chế tài

Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL bày tỏ, bến tàu này là do nhiều cơ quan cùng quản lý. Nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong đó có tình trạng chèo kéo mời gọi khách và tự động tăng giá. “Hiện tượng này gây nhức nhối, tạo ấn tượng không tốt đối với khách du lịch trong và ngoài nước, làm xấu đi bộ mặt của Cần Thơ trong lòng du khách, do đó chúng ta cần phải giải quyết triệt để”, ông Sơn bày tỏ.

Theo đại diện Công an phường Tân An (quận Ninh Kiều) cho biết, các “cò” chỉ mời gọi khách hoàn toàn không có bất cứ hành động cưỡng ép do đó chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử lý vi phạm.

Còn ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở GTVT cho rằng Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ nên mời các phương tiện chưa đăng ký tài và bến, yêu cầu các chủ phương tiện này phải đăng ký, nhưng giá cả phải hợp lý. Nếu chủ phương tiện không đồng ý cần lập danh sách chuyển qua cho các lực lượng chức năng để có phương pháp xử lý.

Kết thúc buổi làm việc, bà Trần Thị Xuân kết luận: Trước mắt, các đơn vị cần tập trung đảm bảo ATTT trong dịp lễ 30/4 và 1/5. Các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra. Đồng thời, lưu ý Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực IV quan tâm hơn nữa đến phương tiện du lịch trên sông nhất là các nhà hàng nổi.

Riêng Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ, bà Xuân đề nghị công ty xem xét lại việc đưa tất cả các phương tiện vào bến. “Chỉ có 25 phương tiện đăng ký bến bãi, còn hơn 130 phương tiện không đăng ký nhưng khi có khách vẫn được cấp phép xuất bến như vậy là không được, công ty phải xem xét tìm giải pháp và có báo cáo lại. Đồng thời, yêu cầu công ty không cấp phép xuất bến cho các phương tiện không đăng ký này”, bà Xuân nhấn mạnh.

Ngoài ra, giao Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm văn bản đề xuất UBND TP xem xét lấy lại bến tàu du lịch, tổ chức đấu thầu giao lại cho công ty khác quản lý nếu Công ty cồ phần Du lịch Cần Thơ không quản lý được các phương tiện trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.