Kinh tế

Lỗ hổng pháp lý từ chuyển đổi 60 dự án đất vàng

15/05/2017, 07:15

Gần 1 triệu m2 đất SXKD chuyển sang xây cao ốc, văn phòng, biệt thự ...với giá "bèo" gây thất thu ngân sách NN.

6

Dự án chung cư Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng, Hà Nội

Gần 1 triệu m2 đất không qua đấu giá

Theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ, trong 60 dự án chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại có dấu hiệu làm thất thu ngân sách Nhà nước, có dự án chung cư cao tầng, nhà ở thấp tầng cũng đã hình thành ngay tại vị trí đắc địa 53 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dự án được chuyển từ đất sản xuất của Công ty TNHH liên doanh ôtô Hòa Bình trên tổng diện tích 44.024m2, trong đó diện tích đã chuyển đổi là 18.896m2.

Hiện nay, toàn bộ các công trình nhà ở cao tầng, thấp tầng đã cơ bản xây dựng xong và trong quá trình hoàn thiện để bàn giao nhà cho khách hàng trong năm 2017 như dự kiến. Các căn hộ tại đây đang được rao bán với giá 30-32 triệu đồng/m2 và các lô đất nền khoảng 90-100 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, quyết định phê duyệt giá đất để tính thu tiền khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dự án này chỉ ở mức 20,79 triệu đồng/m2. Theo đơn giá trên, tổng số tiền sử dụng đất mà chủ dự án phải nộp cho ngân sách là hơn 692,1 tỷ đồng. Đây là dự án phải nộp tiền sử dụng đất cao nhất trong số 60 dự án trong danh sách mà Bộ Tài chính báo cáo. Đến nay, doanh nghiệp đã nộp hơn 546,8 tỷ đồng và còn trên 145,2 tỷ đồng nợ đọng.

Ngoài khu đất trên, Hà Nội có tổng cộng 24 dự án nằm trong danh sách 60 dự án bất động sản mà Bộ Tài chính kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng đất, trong đó đáng chú ý là một số dự án tại các khu đất vàng như tại 36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, giá chuyển đổi 39,6 triệu đồng/m2; tổ hợp dịch vụ thương mại, nhà ở tại Thuỵ Khuê, Tây Hồ, giá chuyển đổi hơn 79 triệu đồng/m2; Dự án tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân có giá chuyển đổi hơn 35,2 triệu đồng/m2; Dự án tại 69 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân với giá chuyển đổi hơn 46,1 triệu đồng/m2.

Trong danh sách này, TP.HCM có 13 dự án. Đơn cử như dự án tại 504 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4 chuyển đổi 4.785m2 đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc thương mại dịch vụ và căn hộ. Hay dự án thương mại dịch vụ văn phòng và căn hộ tại 128 Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận chuyển đổi 4.300m2 đất sản xuất kinh doanh sang thương mại dịch vụ và căn hộ có giá đất chỉ 28,4 triệu đồng/m2...

7

Dự án Pandora (53 Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) - Chủ đầu tư là Công ty TNHH Liên doanh ôtô Hòa Bình - VMC

Lách kẽ hở pháp luật

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, vụ việc 60 dự án đất có dấu hiệu thất thoát ngân sách có nguyên nhân sơ hở pháp lý trong việc định giá đất. Điều này đã dẫn tới các sai phạm trong đấu giá đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chuyển đổi mục đích sử dụng.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), từ ngày 1/7/2014 - 30/11/2016 có 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất với tổng số diện tích đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng là 834.000m2. Cả 60 dự án này đều chuyển đổi sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở… Số tiền sử dụng đất các dự án phải nộp ngân sách là hơn 5.360 tỷ đồng, trong đó khoảng 700 tỷ đồng vẫn chưa được nộp. Còn lại một loạt dự án vẫn chưa có quyết định phê duyệt giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện, cả 60 dự án đều được Bộ Tài chính chuyển cho Thanh tra Chính phủ để thanh tra.

Theo Bộ Tài chính, ở các dự án đất trên, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không tính giá trị quyền sử dụng đất, doanh nghiệp cũng không thực hiện đấu giá. Các dự án đất chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây cao ốc, nhà ở cũng không được đấu giá mà giá đất để tính thu tiền sử dụng/tiền thuê chỉ dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn nên không sát với giá thị trường.

Về kẽ hở của pháp luật, Bộ Tài chính cho rằng, sau Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2014 quy định về giá đất. Sau đó, Bộ TN&MT tiếp tục ban hành Thông tư 36 hướng dẫn Nghị định 44. Nhưng theo ý kiến của Bộ Tài chính, Thông tư 36 của Bộ TN&MT chưa quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất đảm bảo minh bạch, sát với giá thị trường làm thất thu cho ngân sách. Đáng chú ý, UBND tỉnh, thành phố phê duyệt giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất nhưng chưa xin ý kiến thường trực HĐND tỉnh, thành phố và không báo cáo HĐND tỉnh, thành phố tại kỳ họp gần nhất.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một địa phương có dự án nằm trong danh sách 60 dự án được đề nghị rà soát cho rằng, đành rằng ngành TN&MT chịu trách nhiệm về quy định giá đất nhưng khi thực hiện, chính quyền các địa phương lại giao cho Hội đồng thẩm định giá để “quyết” giá đất. Và trong Hội đồng này, ý kiến “nặng” nhất là từ Sở Tài chính.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ TN&MT phối hợp, chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi từ gốc là quy định trong Luật Đất đai 2013 về bán đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy định về thu hồi đất. “Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi cả Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có dấu hiệu có “chân gỗ”, “quân xanh”, “quân đỏ”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu quan điểm khi trao đổi với PV Báo Giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.