Xã hội

Lỗ hổng xuất nhập cảnh: Còn bao nhiêu Vũ "nhôm" chưa bị lộ?

28/05/2019, 18:42

ĐBQH chỉ ra những lỗ hổng khiến tội phạm trong các vụ án lớn có thể bỏ trốn, khiến lực lượng chức năng phải mất công sức, tiền bạc để truy tìm

img
Đại biểu Bùi Đặng Dũng, tỉnh Kiên Giang đặt câu hỏi: "Còn bao nhiêu trường hợp như Vũ "nhôm" chưa bị lộ?"

Chiều 28/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, các ĐBQH chỉ ra nhiều lỗ hổng trong quy định xuất cảnh.

Đi vào chi tiết quy định cấp hộ chiếu theo diện ngoại giao, công vụ, cho cơ quan có thẩm quyền, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) bày tỏ quan điểm: “Tôi đọc luật mà thấy giật mình, cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào? Cứ như vậy sẽ còn bao nhiêu Vũ “nhôm” chưa được phát hiện, chưa bị lộ?”.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng nêu quy định bất hợp lý khác của Luật: “Quy định cấp hộ chiếu công vụ cho cấp trưởng, cấp phó thuộc tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư". Thử hỏi các đồng chí ở đây, Bộ Chính trị và Ban Bí thư T.Ư có đơn vị sự nghiệp công lập nào không? Riêng nội dung này chứng tỏ những người làm luật quá kém” .

Liên quan tới trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dẫn lại câu chuyện bỏ trốn của các tội phạm trong các đại án như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí- PVTEX) và gần đây nhất là Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Nhật Cường Mobile.

“Những trường hợp nằm trong các chuyên án như vậy mà ta lại thả lỏng, để bỏ trốn là không chấp nhận được. Đáng nói, khi đã đưa vào chuyên án, cần có trinh sát nội, ngoại tuyến theo dõi và phải dự phòng các trường hợp cấm xuất cảnh”, ông Nhưỡng nói và kiến nghị tất cả các đối tượng liên quan đến các vụ án đang được xem xét để điều tra, trong quá trình điều tra cần cấm xuất cảnh.

“Có dấu hiệu phạm tội rồi mà đi không biết, rõ ràng, đây là sơ hở vô cùng to lớn để Nhà nước mất nhiều tiền của, công sức, dư luận không tin tưởng", đại biểu tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.

Tương tự, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng kiến nghị những trường hợp có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, vi phạm khuyết điểm, đang trong quá trình xử lý, điều tra, dù chưa có quyết định khởi tố thì cần phải có quy định ngăn chặn xuất cảnh. “Tôi biết việc xuất cảnh được quy định trên cơ sở quyền của công dân, thế nhưng giờ có Luật rồi thì phải có quy định ngăn chặn, phòng ngừa đối tượng nghi phạm trốn ra nước ngoài”, ông Hạ nói.

Trước đó, trình bày tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, dự luật lần này quy định cụ thể quyền của công dân với 4 quyền mang tính nguyên tắc, gồm: được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh lần này, dự luật đã quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, thẩm quyền, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh. Việc này nhằm vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.