Khó khăn trong giải quyết tình trạng đất ở giao quá hạn mức
Hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại nhiều chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) vượt hạn mức, từ 400m2 đến hàng nghìn m2, tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành như: Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn... Việc giao đất vượt hạn mức ngoài vi phạm các quy định của pháp luật, còn gây khó khăn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất và giải phóng mặt bằng đầu tư dự án.
Đất ở giao vượt hạn mức tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn chào bán rầm rộ, giá rẻ
Chị N.T.T. (Hiền Ninh, Sóc Sơn) cho biết, chị đang sở hữu hơn 400m2 đất thổ cư. Cần tiền, chị đang muốn chuyển nhượng. Thế nhưng, khi làm thủ tục sang tên, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội huyện Sóc Sơn giải thích, sổ cũ của chị cấp vượt hạn mức, nên khi làm sổ mới phải trở về hạn mức theo quy định 300m2. Vì thế, giao dịch của chị bị hủy ngang vì bên mua không chấp nhận bỏ tiền mua 400m2 nhưng chỉ được công nhận 300m2.
Ông N.V.H. (xã Hồng Kỳ, Sóc Sơn) cũng cho biết, năm 1960 gia đình ông di cư từ huyện Đông Anh lên Sóc Sơn để khai hoang vùng kinh tế mới và được Nhà nước cấp đất đồi để ở, canh tác. Từ bấy đến nay, gia đình ông ở ổn định trên mảnh đất này. Để giữ đất, ông H. đã đầu tư kinh phí xây tường gạch bao quanh thửa đất của gia đình.
Năm 2005, ông H. đã kê khai và hoàn thành các khoản chi phí hết 12 triệu đồng để được cấp sổ đỏ cho toàn bộ diện tích đất đang ở là 1.500m2. Tại sổ đỏ có số hiệu 631778. Từ sổ đỏ “gốc” trên, ông H. đã lần lượt tách sổ đỏ để chia cho hai con. Nhưng mới đây, nghe tin sổ đỏ của mình bị “vô hiệu,” ông H. đã đến Ủy ban Nhân dân xã Hồng Kỳ để tìm hiểu và được công chức địa chính giải thích sổ đỏ của gia đình ông vượt hạn mức nên tạm thời đang bị dừng các giao dịch.
Được biết, TP Hà Nội cơ bản thống nhất với phương án quy hoạch phát triển Cảng HKQT Nội Bài với quy mô công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
Theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, Cảng HKQT Nội Bài có 3 đường cất/hạ cánh; 3 nhà ga hành khách (trong đó mở rộng nhà ga hàng khách T2 hiện hữu để hệ thống nhà ga T1+T2 đạt tổng công suất 30 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu hành khách/năm). Đến năm 2050, xây dựng 4 đường cất/hạ cánh và xây mới thêm 1 đường cất/hạ cánh phía Nam; 4 nhà ga hành khách. Hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ.
Hiện nay, Cảng HKQT Nội Bài có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách/năm.
Bên cạnh đó, tình trạng giao đất ở vượt hạn mức còn gây ra những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn, khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, nếu bồi thường theo diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận thì không phù hợp, còn bồi thường theo hạn mức quy định thì các hộ dân không đồng ý phối hợp. Đặc biệt là các hộ dân thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường 0 - 500m2 bãi rác Nam Sơn và giải phóng mặt bằng theo quy hoạch Cảng HKQT Nội Bài.
Phân loại để xử lý
Theo thông tin từ huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện có 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp vượt hạn mức đất ở. Phần lớn, những giấy chứng nhận này được cấp giai đoạn 2012 trở về trước. Cụ thể: Từ năm 1993 - 2000 cấp 3.000 giấy chứng nhận; từ năm 2005 - 2012 cấp 9.000 giấy chứng nhận. Các hộ dân đều có nguồn gốc sử dụng đất trước năm 1980.
Đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, UBND huyện đã vận động được 1.000 hộ dân tự nguyện điều chỉnh về hạn mức đất ở theo đúng quy định. Còn 11.000 giấy chứng nhận chưa được xử lý.
Theo Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn, việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp vượt hạn mức gặp rất nhiều khó khăn do quá trình sử dụng các hộ dân đã đăng ký biến động, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận sau khi chia tách, mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nên không thể thực hiện được việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định (tại Điều 106 Luật Đất đai, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ).
Chia sẻ với phóng viên Báo Giao thông, lãnh đạo huyện Ba Vì cho biết, ngày trước chưa có khái niệm về hạn mức, nên chứng nhận quyền sử dụng đất ở được cấp theo nguyện vọng. Do đó, có nhiều sổ diện tích lớn. Theo vị đại diện huyện Ba Vì, TP Hà Nội chỉ đạo, tới đây, khi thực hiện bản đồ địa chính mới, sẽ đính chính hàng loạt.
Trong buổi làm việc với cử tri huyện Sóc Sơn mới đây, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Huy Cường cho biết, không thể có cơ chế chung ban hành để xử lý toàn bộ các trường hợp này. "Giải pháp là huyện phải phân loại, giao thanh tra huyện thanh tra từng đợt. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tháo gỡ vấn đề này", ông Cường nói.
Cũng tại buổi làm việc với cử tri huyện Sóc Sơn, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trần Sỹ Thanh cam kết sẽ từng bước giải quyết vấn đề này, trước hết sẽ lập đoàn thanh tra để rà soát lại liên quan tới từng sổ cấp sai, sau đó đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận