Góc nhìn

Lo khủng bố, Mỹ siết quy định cấp thị thực

10/12/2015, 06:06

Trước nỗi lo khủng bố, ngày 8/12, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu nhằm siết chặt các quy định về nhập cảnh vào Mỹ...

Hạ
Hạ viện Mỹ siết chặt quy định nhập cảnh để phòng khủng bố.

Động thái này được các nhà lập pháp Mỹ đưa ra không lâu sau vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris, Pháp đêm 13/11 khiến 129 người chết và vụ xả súng ngày 2/12 tại TP San Bernardino, bang California làm 14 người thiệt mạng vừa qua.

Không miễn thị nếu từng tới Trung Đông

Luật Điều chỉnh Chương trình miễn thị thực 2015 được Hạ viện thông qua với 407 phiếu thuận, 19 phiếu chống. Theo đó, những người từng tới Iraq, Syria, Iran và Sudan trong vòng 5 năm sẽ không được hưởng quy chế miễn thị thực khi nhập cảnh. Đồng thời, công dân của 38 quốc gia đang được hưởng quy chế miễn thị thực sẽ sử dụng hộ chiếu điện tử. Cùng với đó, Mỹ khuyến khích và yêu cầu các nước trong danh sách miễn thị thực trước đây chia sẻ thông tin liên quan tới các nghi phạm khủng bố, tăng cường rà soát lý lịch và kiểm tra dữ liệu của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đối với công dân, nhằm đảm bảo họ không có liên hệ với khủng bố; nếu không sẽ chấm dứt chương trình nói trên.

Ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện cho biết: “Đạo luật mới sẽ lấp được lỗ hổng an ninh và giúp cải thiện tối đa khả năng ngăn chặn các phần tử nguy hiểm trước khi chúng chạm tới địa phận nước Mỹ”.

Tờ Chicago Tribune nhận định: ông Michael McCaul đang quá lo lắng cho sự an toàn của đất nước mình. Theo ông McCaul, nước Mỹ đang trong tình trạng báo động an ninh mức cao nhất kể từ sau thảm họa 11/9/2001 và các tổ chức khủng bố hiện nay thậm chí còn “nguy hiểm hơn so với al-Qaeda dưới thời Osama bin Laden”. Nhất là trong điều tra mới đây, giới chức phát hiện ra tay súng gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở San Bernardino từng thề trung thành với lãnh đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - tiến sỹ thần học Abu Bakr al-Baghdadi.

Chương trình miễn thị thực của Washington dành cho 38 quốc gia (phần lớn là Tây Âu) cho phép khoảng 20 triệu du khách nhập cảnh Mỹ mỗi năm, được lưu trú tối đa 90 ngày. Chương trình này bắt đầu từ năm 1986, nhằm thúc đẩy du lịch và thắt chặt mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh.

Trước đó, ngày 19/11, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật siết chặt hơn nữa việc rà soát hồ sơ của những người tị nạn đến từ Syria và Iraq bất chấp sự phản đối của Nhà Trắng. Không chỉ Mỹ, nội bộ nhiều quốc gia châu Âu hiện đang xuất hiện nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề kiểm soát biên giới do lo ngại khủng bố.

Xem lại “thị thực hôn nhân”

Trước đó, ông Obama đã yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh Nội địa xem xét lại các quy định về việc cấp thị thực K-1. Đây là thị thực cho vợ/chồng sắp cưới và dễ dàng được cấp hơn các loại thị thực khác. Trung bình mỗi năm có khoảng 25.000 người đính hôn vào Mỹ bằng thị thực K-1.

Cặp vợ chồng sát thủ Tashfeen Malik và Syed Farook trong vụ xả súng ngày 2/12, tại TP San Bernardino, bang California là ví dụ điển hình về kẽ hở nhập cảnh vào Mỹ với thị thực K-1 như thế nào. Malik lớn lên ở Pakistan nhưng sau đó đã qua Arab Saudi để gặp Syed Farook một lần.

Trước đó, hai người gặp nhau qua một dịch vụ hẹn hò trên mạng, luật sư của gia đình Farook, ông Mohammad Abuershaid cho biết. Trong lần gặp này hai người đính hôn và đủ điều kiện để được cấp thị thực K-1 và nộp đơn lên Sở Di trú. Thời gian xét duyệt mất từ 6 - 12 tháng. Ông David North thuộc Trung tâm Di trú cho biết: Những người nộp đơn xin thị thực K-1 ít khi bị từ chối. Năm 2014 có 304 người xin cấp thị thực thì chỉ có một người bị từ chối.

Giáo sư Seamus Hughes, trường Đại học George Washington cho biết: “Chúng ta đã chứng kiến những người xuất thân từ Trung Đông liên quan đến các vụ giết người ở Mỹ hay tìm cách làm như vậy theo diện du lịch, sinh viên, di trú; nhưng vụ thảm sát ngày 2/12 là trường hợp đầu tiên liên quan đến diện thị thực K-1”.

Chắc chắn phải suy xét lại việc cấp thị thực K-1. Đây là một vấn đề khó khăn tương tự như Chương trình Miễn thị thực nhưng tôi nghĩ đây là một mối đe dọa an ninh lớn, ông Hughes nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.