Y tế

Lo ngại bùng phát dịch tay chân miệng, 5 mẹo cần nhớ khi chăm trẻ bệnh

27/09/2019, 12:08

Từ đầu 2019 đến nay, hơn 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Bác sĩ chỉ 5 mẹo chăm sóc trẻ vượt qua mùa bệnh.

img
taychanmieng.jpg

Lo ngại phùng phát tay chân miệng vào tháng 10, 11

Trên quy mô cả nước, báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, từ đầu 2019 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2018. Số ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Cà Mau.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nhấn mạnh trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát rộng, đặc biệt là trong các tháng 10,11.

Bệnh tay chân miệng có thể gia tăng nhanh tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, nhất là tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo…

Do vậy để phòng chống dịch, ngành y tế khuyến cáo cả cha mẹ và bé phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy nhiều lần trong ngày; trước khi bế trẻ, chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, thay bỉm...

Bên cạnh đó, phụ huynh hay người chăm trẻ phải rửa tay sạch sẽ; cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi;

“Mẹo” chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dù là bệnh lành tính, nhưng cha mẹ cần lưu ý để theo dõi và cho trẻ nhập viện kịp thời tránh biến chứng đáng tiếc. BS. Khanh cũng chỉ 5 mẹo chăm trẻ khi mắc bệnh:

1. Nổi mụn nước nhiều quá:
- Trẻ nổi càng nhiều mụn làm phụ huynh lo nhưng thường nổi nhiều lại nhẹ hơn nổi ít.
- Không cần bôi thuốc xanh, vì không có tác dụng mà còn làm bác sĩ nhìn không biết mụn nước do gì.
- Tắm rửa như bình thường, đến ngày mụn sẽ khô.

2. Kháng sinh - Vitamine:
- Nếu không loét miệng nhiều gây bội nhiễm thì khỏi kháng sinh làm gì.
- Vitamine cũng không cần lắm, đang đau miệng ép uống đau thêm.

3. Ngủ lăn qua lăn lại, khóc chút chút:
- Đau họng do vết loét: lấy gói Grangel (thuốc dạ dày) hay KIN baby bỏ vào ngăn mát tủ lạnh ngậm hay chấm vào vết loét sẽ hết đau.
- Ngứa ngáy quá có thể do kiêng không tắm.

4. Không chịu ăn:
- Do miệng đau: Làm thức ăn chờ nguội hẳn hay làm mát mới dễ ăn.
- Không ăn nóng, ăn cay, ăn chua.
- Cũng dùng gói Grangel hay KIN baby rơ miệng như trên.

5. Bình tĩnh, thường sau ngày thứ 4 sẽ tươi lên, không giật mình, không sốt cao là sẽ ổn dần.

“Có tới 90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, phụ huynh nên học dấu hiệu giật mình, nếu không giật mình thì rất hiếm khi có biến chứng”, BS. Khanh nói.

Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.