Tài chính

Lo ngại dân ồ ạt vay tiêu dùng

27/12/2017, 06:35

Lượng vốn người dân vay tiêu dùng trong năm 2017 đã tăng nhanh chóng. Trong đó, quá nửa số tiền vay để mua nhà...

12

Cho vay mua nhà, sửa nhà để ở chiếm 53,8% tín dụng tiêu dùng, góp phần đẩy thị trường bất động sản “nóng” lên - Ảnh: Tạ Tôn

Vay mua nhà: Chặn chỗ này, lách chỗ khác

Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017 được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGS) công bố ngày 26/12, trong khi tín dụng vào thương mại, công nghiệp, dịch vụ tăng 21,8% (chiếm 74% tổng dư nợ) và tín dụng cho nông nghiệp tăng khoảng 18,7% (chiếm 8,11% tổng dư nợ) thì tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng tăng mạnh tới 65%, chiếm 15% tổng dư nợ (năm 2016 là 50,2%). Trong đó, cho vay mua nhà, sửa nhà để ở chiếm 53,8%. UBGS cho rằng, tín dụng tăng mạnh vào lĩnh vực tiêu dùng là do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao làm tăng nhu cầu về nhà ở và người dân tích cực thanh toán qua ngân hàng cũng như sẵn sàng vay nợ chi tiêu cho nhu cầu cuộc sống.

Lợi nhuận ngân hàng tăng vọt hơn 44%

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch UBGS Tài chính quốc gia cho biết, tổng hợp số liệu báo cáo của các ngân hàng gửi về, lợi nhuận của các ngân hàng năm nay dự kiến tăng trên 44%. Chi phí của các ngân hàng đã giảm mạnh, trong đó đáng kể nhất là chi phí “mua vắc-xin” trị nợ xấu các năm trước khá cao thì 2017 đã giảm mạnh. Một nguyên nhân quan trọng, theo ông Phước là thị trường bất động sản nóng lên đã góp phần giúp ngân hàng xử lý hàng loạt tài sản đảm bảo là các bất động sản. Bên cạnh tự thu hồi nợ xấu, ông Phước cho rằng, Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/6 về xử lý nợ xấu đã mở ra cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các ngân hàng thực hiện cơ cấu thành công.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, trường Đại học Fulbright Việt Nam, cần nói lại cho rõ rằng, tín dụng vào mảng tiêu dùng tăng mạnh nhất, trong đó gồm cả vay mua nhà ở và vay mua tiêu dùng thường xuyên. Ông Thành cho rằng, đây là xu hướng khi tầng lớp trung lưu và có thu nhập cao tăng lên. “Nếu so với các nền kinh tế khác cũng có thu nhập trung bình thì phần tín dụng dành cho bất động sản của Việt Nam có tỷ trọng thấp, trong khi bình quân các nước là 20%”, ông Thành nói và nhận xét, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam không đủ năng lực để vừa tăng tín dụng bất động sản và tiêu dùng lại vừa kiểm soát được nợ xấu.

Không đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho rằng, cần có cái nhìn sâu hơn vào bản chất tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản. Bởi, theo bà Mùi, ở Việt Nam chưa có tiêu thức đánh giá chính xác và rõ ràng đâu là tiêu dùng, đâu là bất động sản. “Khi cần thiết hay Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm tín dụng vào bất động sản thì các tổ chức tín dụng đưa vào tiêu dùng. Hay tín dụng tiêu dùng gồm có mua sắm, mua nhà… Mua nhà thứ nhất là ở, còn mua thứ 2, thứ 3 thì có phải đầu cơ?”, bà Mùi đặt câu hỏi.

Không có cơ hội giảm lãi suất

Trong mấy ngày qua, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động làm dấy lên e ngại khó hạ lãi suất cho vay. UBGS cho rằng, trong năm 2017 lãi suất có giảm 0,5% - 1%. Nhưng ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây chỉ là giảm ở các lĩnh vực ưu tiên, còn các lĩnh vực khác lãi suất không giảm mà còn tăng.

Chuyên gia Nguyễn Thị Mùi cũng khẳng định, trong bối cảnh lãi suất huy động gần đây tăng mạnh thì khó có thể giảm lãi suất cho vay. Nguyên nhân, theo bà Mùi là chưa giải quyết tốt mối liên hệ giữa thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay vốn của nhau) với thị trường vốn dân cư (ngân hàng huy động vốn từ người dân). Trên thị trường liên ngân hàng, bà Mùi thông tin, ở chừng mực nhất định, ngân hàng yếu kém không thể bước vào được nên phải ra thị trường vốn dân cư để huy động và đẩy lãi suất huy động lên cao. “Đáng lưu ý, các thông tin cứ nói rằng, thanh khoản của ngân hàng rất dồi dào trong năm qua nhưng trên thực tế có rất nhiều ngân hàng thiếu thanh khoản, dừng huy động là “chết” ngay”, bà Mùi nhận xét.

Ông Lê Đức Thúy lấy ví dụ, trường hợp hai ngân hàng (một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh và một ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh) nằm cùng tòa nhà, cùng mặt tiền nhưng một bên đề lãi suất tối đa 7,7%/năm còn một bên đề lãi suất tối đa 8,8%/năm. Bà Mùi cho rằng, đây chỉ là chiêu PR vì để hưởng lãi suất này thì số tiền gửi phải hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Nhưng qua câu chuyện của ông Thúy, bà Mùi cũng khẳng định, còn nhiều ngân hàng khó khăn trong huy động vốn nên dẫn tới cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, lôi kéo khách hàng của nhau. “Và cái này chắc còn diễn ra trong năm 2018”, bà Mùi nhận định và cho rằng, năm tới, khi lãi suất huy động chưa giảm được thì lãi suất cho vay cũng không giảm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.