Kinh tế

Lo ngại tăng giá điện gây “cộng hưởng giá” cuối năm

05/12/2017, 06:23

Nhiều quan điểm cho rằng, việc tăng giá điện trong thời điểm cuối năm gây nhiều bất lợi cho sản xuất.

13

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại giá điện tăng dịp cuối năm sẽ dễ dẫn tới tình trạng “cộng hưởng tăng giá” - Ảnh: Tạ Tôn

Ngành xi măng giảm gần 800 tỷ đồng doanh thu

Trước thông tin Bộ Công thương vừa công bố giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức mới là 1.720,65 đồng/kWh, tăng 6,08% so với giá hiện hành (1.622,01 đồng/kWh), chiều 4/12, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, tiền điện chiếm 1/3 giá thành sản xuất xi măng.

“Tính trung bình để sản xuất 1 tấn xi măng, cần từ 90-100 kWh điện. Với giá điện tăng từ 1/12, doanh nghiệp sẽ phải trả khoảng 170 nghìn đồng/tấn xi măng. Chính vì vậy, khi tăng giá điện, các DN xi măng sẽ ở thế khó hơn rất nhiều khi thời điểm hiện tại, giá bán ra lại rất khó tăng bởi dư cung lớn”, ông Cung nói. Theo tính toán của chuyên gia, với sản lượng 86 triệu tấn xi măng, giá bán không tăng thì trung bình toàn ngành xi măng sẽ giảm gần 800 tỷ đồng doanh thu mỗi năm khi giá điện tăng.

So với các nước trong khu vực, giá bán điện bình quân hiện nay tại Việt Nam còn thấp hơn khoảng 30%. Theo tính toán, nếu tính đúng, tính đủ thì giá điện hiện phải vào khoảng 2.300 đồng/kWh. Như vậy, EVN sẽ tiếp tục phải tăng giá điện để bù lỗ. Đó là chưa kể, trong năm 2018, việc thiếu hụt điện năng là điều chắc chắn xảy ra.

Bất cập hiện nay, giá điện sản xuất còn rẻ hơn điện sinh hoạt khiến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng. Vì vậy, để giải quyết tận gốc bài toán về giá điện, nên khuyến khích các DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động như vậy sẽ được lợi cả đôi bên: Giảm hao hụt nguồn năng lượng quốc gia, đồng thời tăng lợi nhuận và giá trị sản phẩm đối với doanh nghiệp”, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, mặc dù giá điện không ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất (chỉ chiếm khoảng 2% giá thành), nhưng sẽ rất nhiều sản phẩm phụ kiện đầu vào khác cũng sẽ tăng giá.

“Ước tính, giá điện tăng sẽ khiến giá sản phẩm may mặc tăng khoảng 2%. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước trong khu vực đều đang ép giá giảm xuống để cạnh tranh trong xuất khẩu thì hàng Việt Nam không thể tăng. Đáng nói, những hợp đồng xuất khẩu lớn trong năm 2018 đều đã được ký kết với đối tác từ trước thời điểm quyết định tăng giá điện”, ông Dương nói.

Tương tự, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xe điện, máy điện Phương Đông cũng nhận định, Bộ Công thương công bố tăng giá điện quá đột ngột, khiến doanh nghiệp sản xuất phải chịu thiệt đối với các hợp đồng đã ký.

“Điện là một trong các yếu tố đầu vào của sản xuất. Riêng ngành sản xuất ô tô, xe máy còn bị ảnh hưởng tới việc giảm thuế nhập khẩu nội khối ASEAN từ đầu năm 2018”, ông Tuấn nói và kiến nghị: Bộ Công thương nên công bố trước lộ trình tăng giá điện để doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, tăng giá điện vào thời điểm cuối năm sẽ gây nhiều bất lợi. “Sau hàng loạt ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, giá xăng liên tiếp tăng, lương và bảo hiểm xã hội cũng tăng… giờ giá điện, đầu vào của toàn xã hội, cũng tăng sẽ khó tránh khỏi tình trạng “té nước theo mưa” khiến giá tất cả hàng hóa trên thị trường tăng theo. Do đó, cuộc sống của người nghèo và thu nhập thấp không thể không bị ảnh hưởng”, ông Phú lý giải.

Cần đánh giá lại tác động tăng giá điện

Nói về ảnh hưởng giá điện tăng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, sẽ tác động tới chỉ số lạm phát (CPI) năm 2017 là 0,08% và tác động tới chỉ số sản xuất là 0,07%. Còn sang năm 2018, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cũng cho biết, giá điện tăng sẽ tác động 0,1% đối với CPI và 0,66% đối với chỉ số tăng trưởng kinh tế GDP.

Xét về đối tượng khách hàng, đại diện Bộ Công thương cho biết, giá điện tăng sẽ tác động tới nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ là 5-7%, khách hàng sản xuất là 1,6-6%. Riêng nhóm khách hàng sinh hoạt đang áp 6 biểu bậc thang nên sẽ có tác động khác nhau: Hộ tiêu thụ tới 50kWh/tháng tăng 3.200 đồng/tháng, khách hàng sử dụng tới 100kWh/tháng tăng 6.600 đồng/tháng; khách hàng sử dụng 200kWh/tháng tăng 8.000 đồng và khách hàng dùng 400 kWh/tháng tăng 34.800 đồng/tháng. Theo số liệu từ EVN, năm 2016 có 5,4 triệu hộ khách hàng (chiếm 22,7%) tiêu thụ từ 50-100 kW/h/tháng; có 4,1 triệu hộ sử dụng dưới 50kW/h/tháng và sử dụng 200kW/h/tháng là 5,2 triệu hộ.

Nhận định về những con số trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, không chỉ về CPI và GDP, Bộ Công thương phải nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng giá điện lên từng ngành hàng, từng lĩnh vực. Ví dụ như ngành luyện thép, ngành nhựa, xi măng... phải tính cụ thể bởi điện là chi phí đầu vào nên sẽ ảnh hưởng tới giá đầu ra của sản phẩm. “Những ngành sử dụng nhiều điện sẽ chịu tác động trực tiếp, còn những ngành khác có thể sẽ chịu tác động gián tiếp. Người tiêu dùng điện sinh hoạt có thể chịu tác động trực tiếp ít nhưng còn chịu tác động gián tiếp do giá cả hàng hóa tăng”, ông Long phân tích.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công thương nên công khai phương án tăng giá điện. “Cần kiểm tra chi phí sản xuất điện của EVN. Giá điện hiện không theo cung - cầu vì EVN đang độc quyền bán. Phương án giá điện hiện cũng đang được coi là tài liệu mật. Tôi kiến nghị, việc tăng giá điện lên bao nhiêu phần trăm nên có sự tham gia đầy đủ các bên, cả bên mua và bên bán. Không nên để cơ chế mật như vậy”, ông Đức nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.