Bất động sản

Lo ngại “tước” cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội sẽ tác động đến an sinh

16/09/2021, 20:45

Nhiều ý kiến lo ngại Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ chính sách vay ưu đãi mua nhà xã hội tại các ngân hàng thương mại sẽ tác động đến an sinh.

Nhà đầu tư "trở đi mắc núi, trở về mắc sông"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội khi nói về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2015/TT-NHNN về việc hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự thảo "siết" mua nhà ở xã hội, loại đối tượng vay ưu đãi mua nhà ở xã hội ra khỏi đối tượng vay ưu đãi tại ngân hàng thương mại.

img

Giao dịch tại ngân hàng chính sách (ảnh minh hoạ).

Cho rằng nhà ở xã hội hiện nay đang rất khó khăn, khó khăn về nguồn cung, khó văn về cơ chế chính sách, ông Điệp phân tích: Ngân hàng nhà nước "siết", không cho người mua nhà vay ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Vậy doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội xong để bán cho ai? Dân nghèo lấy tiền đâu để mua nhà?

"Đặt vấn đề như thế để thấy những bất cập, vô tình đẩy các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội vào thế mắc kẹt "trở đi mắc núi, trở về mắc sông". Chính những cơ chế này khiến các nhà đầu tư ngại tham gia phát triển nhà ở xã hội", ông Điệp nói.

Một chủ đầu tư nhà ở xã hội chia sẻ, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng thuộc đối tượng được vay ưu đãi, được hưởng chính sách như: Không phải trả sử dụng đất, không phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp, giá bán cộng lãi 10%... Nhưng để đáp ứng được các điều kiện vay là rất khó, thậm chí không có tiền để vay.

Trước đó, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn vốn ưu đãi cho nhà ở xã hội thông qua tổ chức tín dụng, ngân hàng chính sách đang thiếu.

Giai đoạn 2018-2020, vốn đã bố trí cho nhà ở xã hội mới đạt 1.261,208 tỷ đồng, chỉ bằng 12% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội mới chỉ được cấp 500 tỷ đồng. Hiện Bộ này vẫn đang phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ "nút thắt" vốn.

Lo tác động tiêu cực đến an sinh xã hội

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, đơn vị này đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đề nghị giữ nguyên quy định cho khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo HoREA, trong dự thảo sửa đổi Thông tư 25, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc “loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội” là “theo quy định của Luật Nhà ở”.

Qua nghiên cứu HoREA nhận thấy đề xuất của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở năm 2014. Tuy nhiên, cũng cần phải sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các điều khoản khác của Luật Nhà ở 2014.

“Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội là theo quy định của Luật Nhà ở. Nhưng, Hiệp hội đã nghiên cứu rất kỹ các chính sách về nhà ở xã hội của Luật Nhà ở 2014 thì nhận thấy rất rõ là Luật Nhà ở 2014 không hề cấm các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 4, 5, 6 và 7 Điều 49 Luật Nhà ở 2014 để mua, thuê mua nhà ở xã hội”, Hiệp hội này nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, trong giai đoạn 2015-2020 có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án nhà ở xã hội và do nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất quá chậm, quá ít.

Trong khi đó, Nhà nước đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất. Mới đây nhất, Nghị định 49/2021 đã nâng thời hạn tối đa lên đến 25 năm cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Ông Châu cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước sẽ “tước bỏ” chính sách cốt lõi của Nhà nước là hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với lãi suất thấp để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Theo đó, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội là những người bị thiệt nhất, có tác động tiêu cực đến thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.

Lý giải đề xuất thay đổi quy định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Luật Nhà ở quy định các chính sách hỗ trợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Còn tại tổ chức tín dụng được chỉ định chỉ có chính sách hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, không có chính sách hỗ trợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.