Pháp luật

Lo người tố cáo không được bảo vệ

05/06/2017, 11:15

Nhiều ĐBQH cho rằng, việc thực hiện bảo vệ người tố cáo khó khả thi, từ đó ít người dám đứng ra tố cáo.

20

Lo người tố cáo không được bảo vệ - Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, nhiều lo ngại với quy định chung chung về cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Không rõ cơ quan nào bảo vệ người tố cáo

ĐBQH Đào Tố Hoa (Hà Nội) đánh giá quy định bảo vệ người tố cáo là điểm ưu việt của dự thảo nhưng vẫn còn chung chung, thiếu tính khả thi, không thấy rõ vai trò trách nhiệm của các cơ quan và cũng không rõ cơ quan nào sẽ bảo vệ người tố cáo. “Tôi cũng chưa thấy có đánh giá tác động, nguồn lực như thế nào nếu giao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo cho ngành Công an”, ĐB đề nghị.

ĐB Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cũng đánh giá dự thảo quy định về bảo vệ người tố cáo còn rất chung chung, chưa xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo, chưa làm rõ cơ chế phối hợp. “Tôi cho rằng, đây là điều quan trọng nhất. Chúng ta muốn người ta tố cáo để tìm ra sự thật khách quan thì điều đầu tiên phải bảo vệ người tố cáo. Nếu không có quy định rõ ràng thì sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tố cáo”, ĐB Chính bày tỏ, đồng thời đề nghị để cơ quan công an là lực lượng bảo vệ người tố cáo.

ĐB Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá Luật Tố cáo lần này đã tiếp thu, chỉnh lý những nội dung chưa rõ ràng để phát huy hiệu quả, nhưng quy định về cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa được cụ thể, chưa quy định về trình tự, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ người tố cáo, do vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền tố cáo của người dân, cũng như ảnh hưởng đến việc người đi tố cáo lo ngại bị trả thù.

Giao công an bảo vệ người tố cáo?

Trong khi đó, ĐB Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng: “Trong luật cần cụ thể hóa trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cơ quan được phân công bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo là vấn đề rất lớn, nếu giao hoàn toàn cho công an cũng khó vì liên quan đến quân số, bộ máy”, Đại tá Đào Thanh Hải lo ngại.

Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo; đã bổ sung, sửa đổi các quy định chung về bảo vệ người tố cáo theo hướng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và việc áp dụng các biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, các quy định này vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An lưu ý, chỉ bảo vệ cho người tố cáo và thân thích nếu trường hợp họ tố cáo đúng, còn trường hợp tố cáo sai thì việc bảo vệ là không phù hợp. Vì thế, theo ông Cầu, trong quy định về nghĩa vụ người tố cáo đề nghị thêm khoản “người tố cáo sai phải chịu mọi trách nhiệm hoàn trả chi phí bảo vệ”. Bởi thực tế nhiều người đi tố cáo nhiều lần, người bị tố cáo bức xúc, không tránh khỏi sự đe doạ, họ yêu cầu bảo vệ mà sau khi xác minh tố cáo sai mà không bắt họ trả chi phí là không hợp lý.

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng lo ngại, nếu các điều luật về quy định bảo vệ người tố cáo được thông qua sẽ rất nặng cho cơ quan công an. “Như thế này thì lực lượng công an từ công an xã trở lên phải tham gia bảo vệ người tố cáo, tham gia tố cáo. Nếu vậy, biên chế lực lượng công an sẽ nâng lên rất nhiều”, ông Cầu lo ngại và đề nghị phải thiết kế lại quy định trường hợp nào công an sẽ tham gia bảo vệ người tố cáo, nếu trong hành chính mà bắt công an bảo vệ thì không đúng chức năng nhiệm vụ.

Về lo ngại của lực lượng công an rằng, sẽ rất nặng nề nếu quy định họ là lực lượng bảo vệ người tố cáo, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, qua tổng kết về số vụ việc tố cáo thì rõ ràng không thể nhiều như phát hiện về xử lý các tội phạm mà BLHS quy định. Vì vậy, để xác định ai, cơ quan nào, lực lượng nào trong xã hội có trách nhiệm, đủ kinh nghiệm, khả năng, điều kiện để bảo vệ người tố cáo thì cơ quan công an là cơ quan có đầy đủ điều kiện nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.