Thị trường

Lo nhiều cây xăng đóng cửa vì lỗ kéo dài, VCCI hiến kế loạt giải pháp

07/02/2023, 12:20

VCCI góp ý, để doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu, trường hợp Nhà nước can thiệp, thì cần quy định chiết khấu tối thiểu.

Để thị trường quyết định giá xăng dầu

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.

Liên quan đến phương án điều hành giá. Bộ Công thương đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Duy trì cơ chế Nhà nước tiếp tục định giá xăng dầu và sửa đổi công thức tính giá để bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở.

Phương án 2: Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu. Còn DN căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... ) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của DN.

Về vấn đề này, VCCI chọn phương án 2, vì những nhược điểm của phương án này có thể có biện pháp khắc phục. Trong khi, VCCI cảnh báo: “Nếu chọn phương án 1 sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục được".

img

VCCI: Nếu để phương án điều hành giá như hiện hành, sẽ tiếp tục lặp lại tình trạng bất cập như đã diễn ra thời gian qua mà không có cách nào khắc phục

Với phương án 2, VCCI phân tích: Giá bán do cung cầu quyết định thì sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì giá bán sẽ rất sát với chi phí.

Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thoả thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí. Đây là điểm hạn chế của phương án này.

Tuy nhiên, điểm hạn chế này được VCCI gợi ý khắc phục bằng cách, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như: Cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Nếu Nhà nước can thiệp giá, cần quy định chiết khấu tối thiếu?

Bên cạnh yếu tố về điều hành giá, nhiều DN bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Song, nếu tình trạng này kéo dài, VCCI lo ngại, các DN sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn.

Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Trước thực tế đó, các DN cho rằng, quy định mức chiết khấu tối ưu cho đại lý mới là giải pháp triệt để.

Nêu quan điểm, theo VCCI, Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của DN bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Vì thế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng như sau: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Còn trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.

Cần cho phép đại lý lấy hàng từ nhiều nguồn

VCCI cũng đồng ý với phương án cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng dầu từ nhiều nguồn, bởi hiện nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa.

Do vậy, VCCI cho rằng, nên cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.