Thị trường

Lo phá sản, đồng loạt nhà đầu tư điện gió mong được gia hạn giá FIT

09/01/2022, 07:30

Nhiều chủ đầu tư đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, nhưng việc không kịp COD đã khiến các dự án này lâm cảnh "điêu đứng"...

7 tỷ USD "chơi vơi" ở các dự án điện gió không kịp FIT

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến 31/10/2021, có 84 dự án điện gió với tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi (FIT) 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng một kWh, chưa gồm thuế VAT) trong 20 năm.

img

Còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 4.100 MW chưa kịp về đích đúng hạn

Như vậy, còn 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 4.100 MW chưa kịp về đích đúng hạn để hưởng mức giá ưu đãi trên.

Tuy nhiên, đến nay, chính sách phát triển tiếp theo cho điện gió và điện mặt trời vẫn chưa “tỏ”, khiến các nhà đầu tư “ngồi trên đống lửa”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận chia sẻ, khoảng một nửa các dự án điện không đáp ứng được điều kiện hòa lưới kéo theo rất nhiều hệ lụy từ vỡ phương án tài chính, công ty phá sản vì không có nguồn thu, không có tiền trả ngân hàng và các nguy cơ khiếu kiện, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Theo tính toán của doanh nghiệp, với suất đầu tư trung bình tại các dự án hiện nay là 45 tỷ đồng/ 1MW, tổng mức đầu tư của khoảng 4.100 MW điện gió chưa kịp vận hành COD là trên 202.700 tỷ đồng (gần 8,8 tỷ USD).

70% trong số này là vốn vay ngân hàng, tức khoảng 142.000 tỷ đồng và hiện các nhà băng đã giải ngân được 40%, tương đương 81.190 tỷ đồng. Với mức lãi vay bình quân 10% một năm, các nhà đầu tư đang phải gánh số tiền lãi hàng năm trên 8.110 tỷ đồng.

Ở góc độ nhà đầu tư tài chính, cho vay các dự án năng lượng tái tạo, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng Quân đội (MBBank) ước tính, hiện có khoảng 7 tỷ USD "chơi vơi" ở các dự án điện gió không kịp vận hành thương mại trước 1/11 để hưởng giá FIT, trong đó các ngân hàng góp 4 tỷ USD (cho vay 70% tổng vốn đầu tư).

Ông Ánh nhận định, cứ mỗi ngày trôi qua, 7 tỷ USD của nhà đầu tư và tài sản quốc gia không có lời, các ngân hàng cũng không dám giải ngân với các dự án chưa có COD.

“Chúng tôi không biết nên gia hạn hay đàm phán ra sao với nhà đầu tư. Covid-19 khiến các dự án điện gió chịu ảnh hưởng ít nhất 4 tháng”, ông Ánh nói.

Ông Phạm Như Ánh cho biết thêm, thông thường, trước khi quyết định đầu tư dự án, các phương án, kịch bản và tình huống đầu tư đều được đưa ra tính toán.

Song, hiện nay, điểm bất cập trong chính sách đầu tư là sau thời điểm hết ưu đãi giá FIT, cơ chế giá mới không thể đoán định được.

Theo ông Ánh, chính sách đưa ra không nên dừng đột ngột. Trước đó tối thiểu 3 tháng, cơ quan quản lý cần đưa ra cơ chế tiếp theo để nhà đầu tư tính toán. Cách làm cứ "on - off" sẽ rất khó cho nhà đầu tư.

Mong được gia hạn giá FIT

Trước thực tế, bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, nhưng việc không kịp COD đã khiến các dự án này lâm cảnh ‘điêu đứng’, nếu thời gian chờ chính sách mới kéo dài, nguy cơ phá sản chực chờ.

Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, các bộ, ngành và cơ quan Quốc hội, các nhà đầu tư điện gió tiếp tục nêu những khó khăn khi không kịp vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.

Đại diện Công ty cổ phần ĐT&PT Phong điện Gia Lai cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Cũng bởi lý do bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng nhưng chỉ 1/25 Trụ (4% công suất điện gió của Công ty được công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và 24 Trụ (96%) còn lại đã hoàn thành nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió.

Ông Mai Nguyện, Phó giám đốc Công ty cổ phần điện gió Hanbram nhẩm tính, dự án ở Ninh Thuận gián đoạn khoảng 5 tháng và chỉ kịp hoàn thành 1/3. Số còn lại của dự án đã hoàn thiện thi công nhưng hiện vẫn "áng binh bất động".

"Covid-19 rồi lại thêm khó khăn trong thu xếp vốn do ngân hàng chậm hoặc ngừng giải ngân khiến chúng tôi 'chết mòn', ông Nguyện cho hay.

Theo các chủ đầu tư, nếu Chính phủ, Bộ Công thương không gia hạn thêm thời gian vận hành thương mại, không "cấp cứu kịp thời" thì con đường đến với thua lỗ, phá sản của nhà máy điện gió đang rất gần.

Chưa kể, họ cũng bỏ ra hàng trăm tỷ cho mỗi dự án để đóng thuế nhập khẩu. Thuế này sẽ không được hoàn lại nếu không có Giấy phép hoạt động điện lực (chỉ có sau khi có chứng chỉ COD). Tài chính của doanh nghiệp đã khó nay càng khó khăn hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.