Chính trị

Lo tăng trưởng chủ yếu dựa vào Samsung, Formosa

13/10/2017, 06:18

Ngày 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển...

Chu tich quoc hoi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Ngày 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018.

Chậm công bố kết luận thanh tra tạo sự nghi ngờ

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch. Đáng chú ý nhất là tăng trưởng GDP năm 2017 ước khoảng 6,7%, đạt mục tiêu đề ra. Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Nhấn mạnh mục tiêu ổn định vĩ mô vẫn phải đặt lên hàng đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng có thể chấp nhận tăng trưởng thấp hơn một chút nhưng ổn định vững chắc thì vẫn tốt hơn. Vậy nên Chính phủ cần phải quan tâm đến những chính sách đảm bảo kinh tế vĩ mô. 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu, cho rằng đây là năm có khởi sắc thực sự và rất thuyết phục. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cao những kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ, nhất là việc lần đầu tiên trong những năm gần đây đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu khó như tăng trưởng, tổng mức đầu tư toàn xã hội và ngay cả vấn đề độ che phủ rừng...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, Chính phủ vừa giải quyết nhiều vấn đề lớn mang tính vĩ mô và cũng quan tâm xử lý nhanh vấn đề cụ thể được dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc. Đề cập vấn đề thanh kiểm tra, bà Nga cho biết, có nhiều đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra chưa nghiêm, nhất là thời hạn công bố kết luận thanh tra vi phạm nhiều, có cuộc vi phạm từ 6 tháng đến 24 tháng. “Điều đó dẫn đến dư luận bức xúc vì thanh tra rồi thì phải có kết luận, quan điểm thế nào. Kéo dài thì doanh nghiệp không làm ăn được, cá nhân mất uy tín, nghi ngờ lẫn nhau. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát việc chấp hành thời hạn công bố kết luận thanh tra. Bộ nào chưa thì làm rõ để công bố cho dư luận rõ”, bà Nga nói.

Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Nêu con số về khả năng cao năm 2017, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt mục tiêu 6,7% đã đề ra; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 225 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.400 USD và đánh giá là sự tăng trưởng rất đáng ghi nhận, song nhiều ý kiến còn băn khoăn về chất lượng tăng trưởng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhận định “tăng trưởng của chúng ta đang dựa vào Samsung, Formosa”. Ông Bình cho biết, doanh số của Samsung năm nay vượt trội đạt mức 55 tỉ USD, nhưng đây là doanh nghiệp FDI, vì thế cần phải phân tích rõ các chỉ số kinh tế, ngân sách mà tăng trưởng tạo ra.

Trước đó báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra, đóng góp lớn cho tăng trưởng năm nay là khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó chủ yếu là từ khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa).

Cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần phải giải trình rõ ràng với Quốc hội vì sao tăng thu ngân sách chỉ có 2,3% mà tăng trưởng GDP 6,7%. “Thu ngân sách thì mấy khoản thu nội địa đều giảm, vốn đầu tư giải ngân chậm mà tăng trưởng lại cao thì tăng trưởng trông vào đâu?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, rủi ro tiềm ẩn trong nền kinh tế vẫn còn, chưa giảm, như bội chi ngân sách kéo dài dẫn đến nợ công cao, thu không đủ chi thì phải đi vay. Bội chi cao tác động tới các yếu tố khác của nền kinh tế như tạo sức ép lên lãi suất, lạm phát. Cơ cấu chi dù đã nói nhiều nhưng vẫn chưa hợp lý vì gần 70% là dành chi thường xuyên. Đề cập đến rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực cổ phần hoá, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nhất thiết cổ phần hoá bằng mọi giá, nhất là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu nổi tiếng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.