Vận tải

Lo thiếu vốn, đường sắt xin gia hạn thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe

26/05/2020, 13:53

Tổng công ty Đường sắt VN vừa có văn bản xin gia hạn thực hiện niên hạn hàng trăm đầu máy, toa xe...

img
Việc nâng cấp, đóng mới hàng loạt toa xe khách hiện đại để thay thế toa xe hết niên hạn là áp lực tài chính nặng nề đối với các doanh nghiệp vận tải đường sắt

Nguy cơ thiếu hàng trăm đầu máy, toa xe vận dụng

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt VN, hiện đơn vị này đang quản lý 282 đầu máy. Trong đó, 20 đầu máy đang tạm dừng vận dụng khai thác do bị hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, công suất nhỏ tiêu hao nhiên liệu lớn, chi phí sửa chữa cao. Như vậy, còn 262 đầu máy đang sử dụng phục vụ khai thác vận tải.

Tuy nhiên, ông Hoàng Gia Khánh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, theo Nghị định số 65, những đầu máy có niên hạn trên 40 năm sẽ không được tiếp tục vận dụng khai thác. Do vậy tính đến 1/1/2026, sẽ phải dừng vận dụng 121 đầu máy, chỉ còn lại 141 đầu máy.

“Nếu tính đến 1/1/2022, số lượng đầu máy còn lại là 196 đầu máy, trong khi theo tính toán nhu cầu sử dụng đầu máy tại thời điểm cao điểm Tết hàng năm có thể đạt đến 195 đầu máy vận dụng, tương đương với 217 đầu máy chi phối”, ông Khánh cho hay.

Tương tự về toa xe, hiện các doanh nghiệp vận tải đường sắt quản lý 1.030 toa xe khách và 4.222 toa xe hàng các loại. Nếu thực hiện niên hạn toa xe theo lộ trình tại Nghị định 65, có 794 toa xe sẽ dừng vận dụng từ ngày 1/1/2020, bao gồm: Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội 385 toa xe, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn 301 toa xe và Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) 108 toa xe.

Tổng giám đốc Ratraco Trần Thế Hùng cho hay, doanh nghiệp này đang quản lý và khai thác trên 400 toa xe hàng các loại, chiếm 8% tổng số toa xe hàng toàn ngành. Nếu không kịp đầu tư đóng mới toa xe để thay thế toa xe hết niên hạn sẽ không đủ toa xe đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất.

“Số lượng lớn toa xe phải đầu tư mới, thay thế trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp vận tải”, ông Hùng nói.

img
Tổng công ty Đường sắt VN vừa xin gia hạn thực hiện niên hạn hàng trăm đầu máy, toa xe để tránh thiếu phương tiện vận dụng, giảm áp lực về tài chính

Đề xuất gia hạn lộ trình thực hiện niên hạn đầu máy, toa xe

Ông Hoàng Gia Khánh cho biết, để đảm bảo có đủ đầu máy kéo tàu phục vụ vận tải, từ năm 2016 Tổng công ty Đường sắt VN đã có chủ trương đầu tư khoảng 32 đầu máy mới để cung cấp phục vụ cho vận tải. Tuy nhiên, đến nay tiến độ dự án vẫn đang nằm trong giai đoạn xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi.

Mặt khác, do tình hình sản xuất kinh doanh từ năm 2018 đến nay gặp nhiều khó khăn, sản lượng vận tải giảm so với các năm trước, nhất là năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và thi công gói 7.000 tỷ vốn trung hạn trên tuyến Bắc - Nam. Vì vậy, doanh thu của tổng công ty rất khó khăn, khó bố trí vốn để đầu tư đầu máy mới thay thế.

Với đầu tư toa xe, các doanh nghiệp vận tải cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Ông Tạ Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, hàng năm công ty phải chi đang phải trả số tiền lớn lãi gốc và lãi vay cho các dự án đầu tư đóng mới, nâng cấp toa xe. Đơn cử năm 2019 phải trả hơn 100 tỷ tiền gốc và 67 tỷ tiền lãi vay. Năm 2020 dự kiến phải trả 73 tỷ lãi vay.

Ông Trần Thế Hùng cho biết, Ratraco tính toán cần bổ sung 100 toa xe P để thay thế, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khách hàng. Với chi phí đóng mới khái toán sơ bộ 1,5 tỷ đồng/toa xe P, cần tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn điều lệ công ty.

Trước tình hình khó khăn này, Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định 65 về niên hạn sử dụng đối với đầu máy, toa xe thêm 3 năm so với thời gian quy định để có thời gian chuẩn bị và đầu tư mua sắm đầu máy, toa xe mới thay thế cho các phương tiện cũ hết niên hạn sử dụng.

"Dù kéo dài niên hạn phương tiện, nhưng các phương tiện vẫn đảm bảo điều kiện an toàn kĩ thuật để vận dụng. Chất lượng của tất cả các loại đầu máy hiện nay vẫn ổn định đảm bảo kéo tàu an toàn theo đúng tốc độ thiết kế của nhà chế tạo. Một số loại đầu máy đã được nâng cấp cải tạo thay động cơ diesel và mới sửa chữa đại tu xong. Cùng đó, tất cả các toa xe đều được sửa chữa định kỳ và được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường", Tổng công ty Đường sắt VN thông tin.

Ở góc độ doanh nghiệp vận tải, ông Đào Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn kiến nghị kéo dài niên hạn sử dụng thêm 5 năm đối với các toa xe khách đã được cải tạo nâng cấp từ năm 2014 đến nay. Lý do, các toa xe này sau cải tạo, nâng cấp có chất lượng nâng cao rõ rệt. Mặt khác, chi phí đầu tư bỏ ra với tính toán điểm hòa vốn là sau 10 năm, nên việc kéo dài niên hạn thêm 5 năm sẽ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về thu hồi vốn đầu tư, tránh lãng phí.

Thực tế, hiệu quả khai thác các toa xe này rất tốt, mang lại doanh thu cao. Nếu loại bỏ số này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động SXKD, khả năng tài chính để đầu tư thay thế”, ông Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.