Xã hội

Loại bỏ thói “sĩ diện hão” khi tham gia giao thông

30/06/2017, 07:15

Người Việt tham gia giao thông có rất nhiều tật xấu, trong đó một phần nguyên nhân bắt nguồn từ thói “sĩ diện hão”.

13

Nhiều người vì tiện, sĩ diện mà cố tình vi phạm Luật GTĐB - Ảnh: Tạ Tôn

Nếu không loại bỏ điều này, tình hình trật tự ATGT, nhất là ùn tắc tại các đô thị lớn khó có thể vãn hồi.

Sĩ... rượu

Trong cuộc trà dư, tửu hậu, một ông bạn cao hứng kể lại chiến tích chuyến đi hôm trước lên một tỉnh miền núi, dù đã uống rượu say nhưng vẫn lái được xe về Hà Nội từ khoảng cách cả trăm cây số. Giọng bạn kể rất đỗi tự hào ta đây tửu lượng khá, vẫn lái được xe ngon lành mà không sợ công an bắt. Rồi khi về đến Hà Nội dù rượu đã ngấm, nhưng vẫn đi chuẩn, thậm chí vượt đèn đỏ mà công an không bắt. Mà dẫu có bắt cũng chả sợ vì ta là nhà làm luật, gọi cho ông này ông kia là lại được thả...

Chuyện cứ thế xôm lắm, nhất là khi được mấy ông bạn vàng tha hồ chêm vào, đưa đẩy. Chủ nhân của câu chuyện vẻ đắc chí kể đi kể lại nhiều lần. Ông này chưa kể hết câu chuyện, ông kia lại cũng chen vào đòi kể thành tích uống rượu lái xe của mình. Lời qua tiếng lại, cuối cùng ông nào cũng tự nhận mình là giỏi.

Chỉ khi nào những thói “sĩ diện hão” bớt đi trong tâm thức của một bộ phận người dân, khi đó giao thông ở Hà Nội cũng sẽ hy vọng bớt phần lộn xộn, ùn tắc và mất an toàn như hiện nay.

Thú thật khi nghe những câu chuyện như thế tôi thấy rất buồn. Uống rượu bia lái xe đã là sai, nhưng câu chuyện sai đó lại được đem ra như một thứ để đánh bóng mình lại càng sai lầm nghiêm trọng. Hậu quả của nó rất lớn, có thể chưa xảy ra ngay lập tức, nhưng về lâu dài, nó như con virus lây lan ra cộng đồng những thói hư tật xấu khi tham gia giao thông. Hãy thử tưởng tượng, ai lái xe cũng như vậy thì đường phố sẽ như thế nào? Và nếu những đứa con của họ nghe được câu chuyện trên, liệu rằng chúng cũng sẽ không nhiễm cái thói hư tật xấu ấy?

Ngay tại Hà Nội thời gian qua, có không ít vụ TNGT liên quan tới tài xế say rượu. Vụ tai nạn ở Ái Mộ, Long Biên cuối tháng 2 năm ngoái là minh chứng. Tài xế đã uống rượu trước khi điều khiển xe ô tô Camry và đâm trực diện nhiều người đi xe máy, đi bộ khiến mất đi 3 mạng người, trong đó có 1 cháu nhỏ.

Hay hồi tháng 2 năm nay, cũng một chiếc xe Camry do người đàn ông điều khiển đã bất ngờ mất lái đâm vào nhiều xe máy đi cùng chiều khiến 2 người bị thương tại 102 đường Trần Phú, quận Hà Đông (khu vực đối diện Big C Hà Đông). Và còn rất nhiều vụ tai nạn khác nữa liên quan đến tài xế say rượu, nhưng dường như chưa đủ để làm bài học răn đe đối với những tài xế khác.

Sĩ... sớn

Chuyện tưởng chỉ xảy ra ở những làng quê và từ nhiều năm trước, nhưng lại đang diễn ra trên nhiều tuyến đường Hà Nội. Hình ảnh thường thấy là một thanh niên đầu không đội MBH, đèo sau cô gái cũng không đội MBH, lái xe lượn lách trên phố đông. Những đôi trai gái này cũng không thèm dừng đèn đỏ, luôn tạt đầu các xe khác bất chấp nguy hiểm, đi ngược chiều đường... Khi xảy ra va chạm, gã thanh niên sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” đối thủ, lăng mạ những người khác, thậm chí dùng vũ lực để ra oai với cô gái đi cùng. Hậu quả tất yếu không những làm xấu mặt đấng nam nhi, mà còn khiến đường phố bỗng chốc ùn tắc nghiêm trọng, mất an ninh trật tự và nguy cơ TNGT luôn hiện hữu.

Còn một loại “sĩ” nữa của người Việt khi tham gia giao thông, đó là kiểu “cậy gần nhà”. Trên nhiều tuyến đường, nhất là các tuyến đường quê, nhiều người tham gia giao thông theo kiểu bất chấp luật pháp do cậy gần nhà, luôn tìm cách đi ngược chiều, lấn làn phương tiện khác buộc phải nhường đường... Khổ nhất là những hôm nhà có đám, gia chủ sẵn sàng chiếm trọn con đường trước nhà để dựng rạp. Chỉ khổ các phương tiện khi đi đến đây buộc phải quay đầu tìm đường khác. Ấm ức mà không thể làm gì được vì mình là khách lạ.

Tôi cũng đã có lần lâm vào cảnh này. Đó là lần đến nhà ông chú ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Khi vừa rẽ vào con đường trục chính của làng thì gặp ngay cái rạp đám cưới chềnh ềnh chắn gần hết lối đi, chỉ để một lối nhỏ vừa đúng 1 chiếc xe máy đi qua. Có khá nhiều phương tiện qua đoạn này nên cả trục đường bỗng ùn tắc. Vài người tỏ vẻ khó chịu, lên tiếng yêu cầu gia chủ nên dựng rạp dẹp vào một chút. Thế nhưng chẳng những gia chủ không tiếp thu ý kiến, mà còn gân cổ quát lại, cho rằng nhà có công có việc mới nhờ đường làng, sao phải “xoắn”. Tôi toan vào phân giải cũng bị 2 người đàn ông từ trong nhà chạy ra dọa đánh, yêu cầu tôi phải biết “Đất có thổ công. Mày là người lạ đến đây muốn gì?”. Bất quá, tôi đành phải gọi công an phường đến giải quyết mới yên chuyện.

Mạnh Hoàn
Phố Ao Sen, Hà Đông, Hà Nội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.