Quản lý

Loại bỏ xin - cho trong bảo trì đường bộ

26/09/2017, 07:05

Bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công, đang có bước chuyển mạnh mẽ.

1

Hàng nghìn kilômét đường được gia cố và sửa chữa từ nguồn vốn bảo trì đường bộ trong 5 năm qua (Trong ảnh: Gia cố sửa chữa QL1 qua huyện Nghi Lộc, Nghệ An bằng công nghệ và máy móc hiện đại của Nhật Bản) - Ảnh: QLĐB7

Việc chuyển từ đặt hàng sang cơ chế đấu thầu tiết kiệm đáng kể nguồn vốn và giúp quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ được công khai, minh bạch, hiệu quả hơn. Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ (giai đoạn 2013 - 2017) và đưa ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2017-2022 được tổ chức vào sáng nay (26/9).

Thu - chi minh bạch, đúng chỗ

Tuyến QL4C đoạn đi qua địa phận các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn,... gần đây như được “thay da đổi thịt”, êm thuận, khang trang hơn. Nhớ lại thời điểm trước năm 2016, tuyến giao thông huyết mạch nối TP Hà Giang với 4 huyện vùng cao phía Bắc của Hà Giang xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường bị thu hẹp, ổ gà, ổ voi xuất hiện dày đặc.

Trước tình trạng này, đầu năm 2017, Bộ GTVT bố trí hơn 90 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ, thực hiện sửa chữa trên mặt đường cũ, cạp và mở rộng một số vị trí mất tầm nhìn, đảm bảo cho các phương tiện tham gia giao thông an toàn. Anh Nguyễn Thành Phong, lái xe cho một đơn vị lữ hành chia sẻ: “Gần đây, đi trên tuyến đường đèo “cua tay áo” qua địa phận các huyện vùng cao của Hà Giang yên tâm hơn vì mặt đường được thảm bê tông nhựa phẳng. Thay vì phải thuê phòng trọ qua đêm, giờ có thể đưa khách trở về nghỉ ở thành phố trong ngày”.

"Từng đồng vốn thu chi của quỹ cần minh bạch, công khai để người dân biết tiền của mình đóng vào quỹ nằm ở đâu,sử dụng ra sao”. 

Bộ trưởng Bộ GTVT
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư
Trương Quang Nghĩa

QL4C chỉ là một trong số hàng trăm tuyến đường được đầu tư bằng nguồn vốn của Quỹ Bảo trì đường bộ. Trong 5 năm qua, nguồn vốn này góp phần cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường, góp phần bảo đảm ATGT. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, nhờ nguồn vốn này, đã có gần 77.000m2 mặt đường được sửa chữa; trên 1.000 cây cầu yếu được phục hồi; bổ sung, thay thế trên 13.000 biển báo hiệu đường bộ; cải tạo trên 600 điểm đen, điểm tiềm ẩn mất TNGT. Đặc biệt, đã gia cố lề, mở rộng trên 1.000 km mặt đường 3,5m - 5 m thành mặt đường lớn hơn 5,5 m bảo đảm cho 2 chiều xe đi tránh, vượt thuận lợi góp phần giảm ùn tắc giao thông.  

Về công tác chi cho bảo trì quốc lộ, Chánh văn phòng Lê Hoàng Minh cho biết, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư đã giao kế hoạch chi các năm và chuyển vốn cho Tổng cục Đường bộ VN thực hiện với tổng giá trị trên 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư đã phân bổ luồng 35% cho các quỹ địa phương trong 5 năm  trên 10.000 tỷ đồng. “Hoạt động của quỹ luôn được bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, sử dụng sai mục đích. Qua công tác thanh tra của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đã kết luận hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ trong thời gian qua được quản lý và sử dụng đúng quy định”, ông Minh nói.

2

Bảo trì cầu Trà Và Nhỏ, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: QLĐB7

Đấu thầu công khai, tiết kiệm hàng chục tỷ

Để có được kết quả trên, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, công tác quản lý bảo trì đã được đổi mới toàn diện. Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, từ năm 2013 trở về trước, các công ty quản lý đường bộ là đơn vị sự nghiệp thuộc các Khu Quản lý đường bộ (nay là các Cục Quản lý đường bộ) có quan hệ cấp trên, cấp dưới, vừa làm công tác quản lý nhà nước kiêm nhà thầu bảo trì. Lúc này, bảo trì đường bộ được thực hiện theo phương thức đặt hàng, giao kế hoạch.

Để thay đổi thực trạng này, đầu năm 2013, Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ ra đời. Từ đề án, vấn đề tổ chức phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, công tác lập kế hoạch bảo trì, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại được đổi mới triệt để. Nổi bật trong những kết quả sau khi thực hiện đề án này là việc đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ. Theo đề án, đến hết năm 2015, Tổng cục Đường bộ VN đã hoàn thành đấu thầu bảo trì trên 22.000 km đường bộ.

“Việc thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cho tất cả gói thầu bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ là một bước tiến trong công tác bảo trì đường bộ, khắc phục được tình trạng “lọt” nhà thầu yếu kém do cơ chế giao khối lượng trước đây. Các DN bảo trì được cổ phần hóa, huy động nguồn lực xã hội trong bảo trì. Các DN này muốn tham gia bảo trì đường bộ đều phải qua đấu thầu năng lực, không còn cơ chế xin - cho trước đây”, ông Điệp nói.

“Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư đã đấu thầu trên 1.480 tỉ đồng vốn bảo trì thường xuyên cho các DN thực hiện trong 3 năm, từ 2015-2017, tiết kiệm được trên 82 tỉ đồng. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua hình thức đấu thầu, các DN có một sân chơi bình đẳng, minh bạch vốn bảo trì, trúng thầu đến đâu làm đến đó”, ông Điệp lý giải thêm.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho rằng, bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công, đang có bước chuyển mạnh mẽ. “Việc cung ứng dịch vụ công ích về bảo trì đường bộ đã được xã hội hóa đấu thầu cạnh tranh công khai. Nhờ vậy, công tác quản lý, bảo trì quốc lộ đã thay đổi cơ bản. Đây là nội dung căn bản về đổi mới quản lý bảo trì đường bộ và đã được Ngân hàng Thế giới khuyến khích áp dụng”, ông Huyện nói và cho biết, tới đây sẽ nghiên cứu kéo dài thời gian, nâng quy mô đấu thấu để đảm bảo hiệu quả hơn nữa.

Cách nào tăng nguồn thu cho Quỹ?

Theo ông Lê Hoàng Minh, năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ thu được hơn 5.000 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đáp ứng được trên 42% nhu cầu định mức. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 8.000 tỷ đồng, cộng với cấp bù ngân sách cũng mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu. “Tuy nguồn thu quỹ năm sau cao hơn năm trước, nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải cấp bù cho công tác này, tổng cộng từ hai nguồn cũng mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu bảo trì hệ thống quốc lộ”, ông Minh nói.  

Tình trạng “đói vốn” cũng thể hiện rõ trong bảo trì các tuyến đường địa phương. Cũng theo ông Minh, 5 năm hoạt động quỹ đã phân chia về các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để bảo trì hệ thống đường địa phương, song theo ghi nhận, nhiều địa phương cấp kinh phí cho hoạt động này còn thấp, chỉ đạt khoảng 20 - 30% nhu cầu. “Ngoài nhiệm vụ chi cho bảo trì đường bộ, còn hàng chục khoản mục chi từ Quỹ Bảo trì đường bộ quy định tại Thông tư liên tịch 230 và Thông tư 60 của Bộ Tài chính như: Khắc phục hậu quả bão lũ; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; chi cho hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và lưu động…

Liên quan các giải pháp tăng nguồn thu, ông Minh cho biết, từ khi thành lập đến nay, quỹ vẫn chỉ thu từ nguồn ngân sách hỗ trợ và thu trên đầu phương tiện. Tới đây, có thể nghiên cứu thu tiền cho thuê sử dụng hạ tầng đường bộ từ các đơn vị đặt cáp quang trên cầu đường bộ hay hành lang đường bộ. Đây sẽ là nguồn thu lớn cho quỹ. “Văn phòng quỹ đang xây dựng Đề án về nguồn thu khác cho quỹ, đảm bảo thu đúng, hiệu quả. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các phương án và liên kết với các nhà tài trợ nước ngoài cũng như các tổ chức tài chính trong nước để huy động các nguồn vốn cho Quỹ Bảo trì đường bộ theo đúng luật định”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.