Làm báo cùng Giao thông

Loại xe máy cũ cần lộ trình phù hợp

16/08/2016, 07:09

Những chiếc xe máy cà tàng với khung xe hoen gỉ, máy nổ rung trời, khói xả mù mịt vẫn lưu thông...

8

Xe máy có thời gian sử dụng từ 10 - 15 năm có nguy cơ dẫn đến TNGT cao hơn so với xe máy sử dụng từ 1 - 5 năm - Ảnh: Ngô Vinh

Nhiều người lắc đầu ngao ngán và tự hỏi vì sao thế kỷ XXI với công nghệ tiên tiến, hiện đại mà trên đường phố vẫn còn lưu thông những chiếc xe không khác gì những khối sắt vụn di động, được sản xuất từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Buồn là những chiếc xe đáng cho vào “bảo tàng cổ vật” này vẫn đang rất phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước và tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao cho người tham gia giao thông.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất ATGT, ô nhiễm môi trường của loại xe này, đồng thời đề xuất quy định cụ thể niên hạn đối với xe máy. Thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, xe máy càng cũ, nguy cơ gây TNGT càng cao. Đặc biệt, với các phương tiện thiếu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên càng thiếu an toàn hơn. Do vậy, ngay từ bây giờ cần quy định niên hạn để loại bỏ những chiếc xe này lưu thông trên đường.

Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn đúng và là việc sớm muộn cũng phải làm để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là chiếc xe máy đã và đang là tài sản, là phương tiện gắn liền với sinh kế của đại bộ phận người dân Việt Nam. Nói như ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN là “liên quan đến cuộc sống, sinh kế của người dân” nên khó có thể triển khai ngay thời điểm này. Chính vì vậy, việc tính toán lộ trình và thời điểm hợp lý để người dân có thể dễ dàng chấp nhận là rất quan trọng.

Điều đó đặt ra cho các chuyên gia, cơ quan quản lý phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về cả cơ sở pháp lý, thông số kỹ thuật và cả những tác động có thể ảnh hưởng đến người dân khi loại bỏ xe cũ. Chỉ có như vậy mới có những giải pháp triển khai và hỗ trợ hợp lý nhất khi chủ trương này được triển khai vào thực tế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.