Thời sự

Loạn "cờ, hoa thay điểm số", phụ huynh hoang mang

24/10/2014, 15:38

Sau gần 10 ngày thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về việc thay chấm điểm bằng nhận xét, các bậc phụ huynh vẫn hoang mang, lo lắng khi không nắm rõ được lực học của con em.

Giáo viên đóng dấu lên vở thay vì chấm điểm cho học sinh
Giáo viên đóng dấu lên vở thay vì chấm điểm cho học sinh

Loạn hình thức đánh giá

Từ ngày 15/10, mỗi khi đón bé Nguyên từ Trường Tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về nhà, chị Diệu lại được con khoe: “Hôm nay con được cắm cờ”; “Con đã trèo được ba bậc núi”… Hỏi kỹ con, chị được biết ở lớp, giáo viên đánh giá học sinh thông qua hình thức cắm cờ leo đỉnh Phanxipăng. Khi học sinh trả lời đúng yêu cầu, làm tốt bài tập sẽ được nhận một lá cờ, cắm dần theo các mốc tương ứng với độ cao của ngọn núi.

Bé Bảo Anh, học sinh Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình) thì khoe: “Lớp con có bảng bông hoa như hồi học mẫu giáo”. Thì ra, từ ngày 15/10, giáo viên của trường có sáng kiến lồng ảnh học sinh trong bông hoa dán lên bảng theo từng nhóm có kết quả nổi bật.

Hình thức “lớp học mẫu giáo” này khá phổ biến ở nhiều trường tiểu học Hà Nội, như Trường Tiểu học Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), tương đương với đạt một điểm 10 thì học sinh được cắm một chiếc cờ lên bảng thi đua; các trường tiểu họ: Phương Mai, Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa) sử dụng con dấu hình mặt cười cùng chữ “cô khen”; hình mặt mếu với dòng chữ “cần cẩn thận hơn”, “cần cố gắng”… để in lên vở học sinh.

Cách đánh giá phổ biến nữa là ghi “tốt”, “khá”, “trung bình”, trong đó, cô giáo thỏa thuận miệng với học sinh: Tốt tương đương điểm 9, 10; Khá là điểm 7, 8; Trung bình là điểm 5, 6…

Phụ huynh lo lắng

Từ khi nhà trường triển khai quy định bỏ chấm điểm, bé Tuấn (Trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy) phấn khởi hơn vì cô giao bài tập ít hơn, cũng không bị mẹ la mắng mỗi khi nhận điểm kém. Còn bé Bảo Anh (Trường Tiểu học Ngọc Khánh, quận Ba Đình) thì phấn khích với những bông hoa, mặt cười… mang từ lớp về.

Tuy nhiên, chị Mai Hồng (Thụy Khuê) thì cảm thấy lo lắng khi ngày nào kiểm tra vở của cậu con trai đang học lớp 3 Trường Tiểu học Chu Văn An, cũng thấy cô giáo ghi “Con cần cố gắng”. Chị Hồng không hiểu với nhận xét này thì con chị đang đạt ở ngưỡng nào và cần cố gắng ở phần nào; rốt cuộc, cứ cách ngày, chị lại nhấc điện thoại lên để trao đổi với cô giáo về tình hình học tập của con.

"Giáo viên cần căn cứ vào yêu cầu mức độ đạt được của bài học và mức độ tiến bộ của từng học sinh, cách học và đặc điểm tâm sinh lý của học sinh để đưa ra nhận xét xác đáng, động viên khuyến khích học sinh học tập tốt hơn”.

Ông Phạm Ngọc Định

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Tương tự, chị Thùy Minh có con gái đang học lớp 2 Trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) than thở, đối với môn toán câu nào sai cô giáo chữa vào bài, mình còn ước lượng được khả năng của con đến đâu nhưng một số môn khác như tập viết, tập làm văn, mỹ thuật… thì cô chỉ nhận xét giản đơn: “Tốt”, “Hoàn thành”, “Cần lưu ý diễn đạt”… nên chị cũng băn khoăn không biết con mình có tiến bộ không.

Chị Kim Xuyến có con gái đang học lớp 4 Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho hay, trước đây mỗi lần con được 9 điểm là chị đã nhắc nhở, yêu cầu con tìm chỗ sai để khắc phục. “Nhưng giờ, rõ ràng bài sai một - hai  lỗi, nhưng cô ghi “Tốt” nên con bé bảo thế là yên tâm rồi, không cần tìm lỗi sai mà sửa nữa”, chị Xuyến băn khoăn.

Chị Ngọc Anh (phố Lò Đúc) lo ngại: “Chấm điểm bằng hoa, cờ, biểu tượng mặt cười… chả khác nào hồi con học mẫu giáo, khi con chưa biết đọc. Trong khi đó, cha mẹ nhìn hoa, cờ cứ thấy tù mù chả biết lực học của con ra sao mà kèm cặp thêm? Trước đây, mỗi lần lỡ bị điểm 6 là con cố gắng học để đạt điểm 9, 10 nhưng giờ thì không thấy thế nữa.  Biết là bỏ điểm số là giảm áp lực cho trẻ nhưng bố mẹ thấy như đánh đố mà chính các con cũng giảm đi ý thức tự vươn lên, cố gắng học tập”.

Vũ Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.