Vận tải

Loạn xe chở khách chui ở Đắk Lắk

07/10/2022, 09:38

Xe dù, xe hợp đồng trá hình, xe không đăng ký kinh doanh vận tải... diễn ra rầm rộ khiến vận tải ở Đắk Lắk rất bát nháo.

Xe hợp đồng gom khách lẻ, thu “tiền tươi”

Một ngày cuối tháng 9, trong vai hành khách, PV gọi điện vào số tổng đài của nhà xe Thế Vĩnh đặt xe từ TP Buôn Ma Thuột đi huyện Ea Kar. Lúc sau, trên đường Nguyễn Tất Thành, PV được chiếc xe có dán dòng chữ “xe hợp đồng” BKS 65F-001.36 do ông Vĩnh (cũng là chủ xe Thế Vĩnh) cầm lái đón. Trên xe lúc này, các băng ghế khách đã ngồi kín.

img

Xe BKS: 65F-001.36 (nhà xe Thế Vĩnh) được Sở GTVT tỉnh Cần Thơ cấp phù hiệu “xe hợp đồng” đưa về Đắk Lắk hoạt động trá hình, gom khách lẻ, thu tiền đưa đón khách tuyến cố định

Sau đó, chiếc xe chạy ra đường Nguyễn Văn Cừ, vòng về đường Trần Quý Cáp, tại cổng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tài xế tấp vào đón thêm 2 khách nữa rồi đóng cửa chạy ra hướng QL26.

Dọc QL26, chiếc xe bấm còi inh ỏi, qua các trạm xe buýt, phụ xe liên tục kéo cửa chòm người ra hét lớn: “Ai về Phước An, Ea Kar, M’drắk… không?”, rồi nhảy xuống tiếp tục vợt khách. Xe di chuyển khoảng 20km, phụ xe bắt đầu thu tiền mỗi khách từ 30.000 - 60.000 đồng tùy theo khoảng cách đi.

img

Phụ xe xe hợp đồng 65F-001.36 (nhà xe Thế Vĩnh) thu tiền của khách

Ngoài chuyến xe trên, PV còn thực tế trên nhiều chuyến xe BKS: 47B-018.45, 47B-019.46, 47B-025.09, 47B-000.21, 47B-017.96, 47B-018.96, 47B-014.96 (đều của nhà xe Thế Vĩnh), xe 47B-019.65, 47B-020.59, 47B-015.73 (đều của nhà xe Hoàng Anh), 47A-132.73 (xe Việt Thanh), 47B-022.96 (xe Nam Việt), 47B-023.26 (xe Nguyên Giáp), 47B-022.36 (xe Việt Trúc) cũng hoạt động tương tự, gom khách lẻ, thu tiền, đưa đón khách tuyến cố định.

Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, tất cả các xe trên đều được các Sở GTVT Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương, TP.HCM… cấp phù hiệu xe hợp đồng. Tuy nhiên, những xe này hoạt động 100% trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều gom khách lẻ, chạy trá hình, gây mất trật tự vận tải, trật tự ATGT.

Xe tải chở hàng vô tư chở người

img

Xe tải cải tạo, không đăng ký́ kinh doanh, chỉ được chở hàng nhưng nhà xe Bảo An vẫn ngang nhiên hoạt động chở khách

Cũng trong vai hành khách cần xe đi từ TP Buôn Ma Thuột về thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), PV gọi vào số tổng đài của nhà xe Bảo An để đặt xe.

Đầu dây bên kia, một phụ nữ nghe máy nhận khách và cho biết trước khi đón tài xế sẽ liên hệ. Khoảng 30 phút sau, trên đường Nguyễn Chí Thanh chiếc xe khách BKS 47D-011.07 (loại 16 chỗ, biển trắng) tấp vào đón PV lên xe.

Trên xe, mặc dù đây là chiếc xe 16 chỗ đã cải tạo thành xe tải (6 chỗ ngồi) nhưng các băng ghế không tháo bỏ, vẫn “nguyên hình” và khách đã ngồi kín.

Quan sát, bên kính cửa sổ có dán biển quảng cáo nhà xe Bảo An chuyên tuyến Buôn Hồ – Buôn Ma Thuột và ngược lại, kèm theo đó là số điện thoại tổng đài và lịch trình xe chạy một tiếng/chuyến.

Lúc này, tài xế một tay lái xe, một tay gọi điện thoại tiếp tục đón thêm vài người khách nữa rồi cho xe chạy thẳng về thị xã Buôn Hồ.

Chiếc xe lao vun vút trên đường Hồ Chí Minh, khi chạm tới đất Buôn Hồ, tài xế hỏi địa chỉ của từng khách để trả và thu tiền mỗi khách 60.000 đồng.

Ngày hôm sau, theo hành trình tương tự, PV tiếp tục gọi vào số tổng đài của nhà xe Bảo An và lần này được chiếc xe BKS 47D-013.47 đến đón.

Trên xe, các băng ghế đã chật ních khách. Trên hành trình khoảng 40km về Buôn Hồ, PV trả 60.000 đồng.

img

Tài xế liên tục chở khách tuyến TP Buôn Ma Thuột - TX Buôn Hồ và thu tiền của khách 60.000 đồng

Một tài xế cho biết, xe Bảo An toàn xe sắp hết niên hạn nên cải tạo thành xe tải, biển số D dùng để chở hàng nhưng nhà xe liều lĩnh, vẫn dùng để chở khách.

Tương tự, trong nhiều ngày thực tế, PV còn ghi nhận các xe BKS 47D-012.56 (loại 16 chỗ, dán logo nhà xe Nam Việt), 47D-010.88 (nhà xe Tuấn Anh), 47D- 010.73 (nhà xe Anh Khoa) cũng hoạt động tương tự, đưa đón khách từ TP Buôn Ma Thuột đi huyện Ea Kar, huyện Krông Ana và ngược lại.

Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 4701D, tất cả các xe biển D là xe tải hay còn gọi xe tải VAN, chỉ được chở hàng, không được chở khách.

“Xuống biển D bắt buộc phải tháo ghế, nếu xuống 3 ghế thì tháo hết toàn bộ khoang sau, xuống 6 ghế thì để lại một hàng ngay sau lưng ghế tài xế và được ngăn cách bởi một vách ngăn để tách khoang người với khoang hàng”, lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 4701D khẳng định

Thu phí vài trăm nghìn, rồi cấp cho lái xe xấp hợp đồng khống

Ông Nguyễn Đình Bé, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải ô tô Đắk Lắk đánh giá: “Thực trạng xe dù trên địa bàn Đắk Lắk đang rất loạn.

Việc xử lý xe dù bến cóc, xe hợp đồng trá hình thì trách nhiệm thuộc lực lượng TTKS ngoài đường như TTGT, CSGT.
Tuy nhiên, đối với thông tin phản ánh xe hợp đồng trá hình, những phương tiện Sở GTVT Đắk Lắk cấp phù hiệu, chúng tôi sẽ gọi đơn vị vận tải, doanh nghiệp lên tuyên truyền, yêu cầu cam kết thực hiện đúng theo quy định về xe hợp đồng.
Còn đối với những phương tiện do Sở GTVT các tỉnh khác cấp phù hiệu nhưng hoạt động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Sở sẽ rà soát và phối hợp với hợp với Sở GTVT các tỉnh đề nghị kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm xử lý triệt để, góp phần lập lại trật tự vận tải, tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trước pháp luật.

Ông Lê Đình Minh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk


Các xe 7 chỗ, 9 chỗ và xe 16 chỗ chạy rầm rộ, tranh giành khách ngay các trạm xe buýt. Đặc biệt, xe hợp đồng trá hình hoạt động công khai, sai 100% so với quy định xe hợp đồng.

Xe hợp đồng đã có quy định rồi, trong tháng chạy không quá 30% trùng lặp điểm đón, trả khách nhưng ở đây ngày nào cũng chạy, chạy vượt 100% nhưng không ai xử lý”.

Ông Đỗ Quang Thuận, Giám đốc Bến xe TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Thực tế, hiện nay xe ở Đắk Lắk nhưng đăng kí HTX ở các tỉnh khác, lấy phù hiệu hợp đồng ở các tỉnh khác về Đắk Lắk hoạt động. Các HTX ở đó thu phí có vài trăm nghìn, rồi cấp cho lái xe một xấp hợp đồng khống, các xe bắt khách xong, hỏi tên khách ghi vào để đối phó Công an, chạy chẳng ai hỏi thăm, xử lý”.

“Đắk Lắk quản lý rất chặt về xe hợp đồng nhưng các tỉnh quản lý lỏng lẻo nên các xe đi các tỉnh khác lấy phù hiệu về hoạt động thì làm sao không loạn, không bát nháo? Ngân sách thì đóng về tỉnh khác, Đắk Lắk thì thất thu, doanh nghiệp lao đao nhưng kêu thì không ai giải quyết”, ông Thuận phân tích

Tương tự, ông Đỗ Thanh Tuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe liên tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận: “Tình trạng xe khách không vào bến, lượn ở ngoài, đậu kín cây xăng để bắt khách diễn ra nhức nhối lâu nay. Xe hoạt động hàng ngày trên tuyến, qua biết bao nhiêu chốt TTKS của lực lượng CSGT nhưng vẫn bình an vô sự! Bến đã kiến nghị lên UBND tỉnh, lên Sở GTVT, sau đó lực lượng chức năng ra quân thì các xe nghỉ hết, rồi vài ngày sau đâu lại vào đó, không loại trừ có lực lượng “bảo kê””.

Theo một lãnh đạo Công an TP Buôn Ma Thuột, Công an đã nắm được thông tin phản ánh, sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT tăng cường TTKS, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xe chạy dù, dừng trả khách không đúng nơi quy định.

Liên quan đến tình trạng trên, PV đã liên hệ với Thượng tá Vũ Tiến Thăng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk để nắm thông tin, tuy nhiên vị này cho biết “sẽ kiểm tra lại và phản hồi sau”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.