Bất động sản

Loạt dự án nhà ở của Sudico để hoang cả chục năm

03/11/2021, 06:00

Trên địa bàn Thủ đô, không ít dự án của Sudico trong tình trạng dang dở, bỏ hoang khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, ảnh hưởng quyền lợi người dân.

Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) là công ty đại chúng, Nhà nước sở hữu 36,3% vốn, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các dự án khu đô thị, khu công nghiệp, là chủ đầu tư nhiều dự án trên địa bàn cả nước.

Trên địa bàn Thủ đô, không ít dự án của Sudico trong tình trạng dang dở, bỏ hoang khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, ảnh hưởng quyền lợi người dân.

img

Một phần dự án Sudico An Khánh bị bỏ hoang

Quyền lợi của người dân bị “treo”

Một trong những dự án phải kể đến là dự án Khu nhà ở Văn La (dự án Văn La) thuộc phường Phú La, Hà Đông, được tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho Sudico vào giữa năm 2008.

Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, tháng 11/2015, UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Quy hoạch là dự án hình mẫu, đầy đủ hạng mục nhà ở, cây xanh... với tổng diện tích 12ha, thế nhưng đến nay, “dự án vàng” trung tâm quận Hà Đông vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, trở thành bãi tập kết xe, rác thải…

Tương tự là Khu đô thị Nam An Khánh (Sudico An Khánh) thuộc địa bàn 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức).

Dự án này được cấp phép năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009, có tổng diện tích 288ha, bao gồm 4 phân khu chính: Khu hỗn hợp, khu hồ lớn, khu hồ nhỏ, khu mở rộng do Sudico. Các sản phẩm bao gồm biệt thự, liền kề, shophouse, trung tâm thương mại, chung cư.

Sau gần 20 năm cấp phép, đến nay chỉ có dãy shophouse ngay cổng vào và một phần đất chuyển nhượng cho các chủ đầu tư thứ cấp (khoảng 1/3 diện tích) được đưa vào sử dụng. 2/3 diện tích còn lại là nhà biệt thự 3 tầng, đang trong tình trạng bỏ hoang, nhìn từ cao xuống giống như khu mộ hoang.

Trong vai khách hàng, PV được anh Nguyễn Hoàng Long, môi giới khu này cho PV biết, những nhà biệt thự trên đều đã được chủ đầu tư bán hết. Việc hoàn thiện phụ thuộc nhu cầu người về ở.

Đại diện UBND huyện Hoài Đức cho hay, theo quy định, dự án sau khi hoàn thiện thô thì được bán. Chủ đầu tư Sudico Nam An Khánh có trách nhiệm xây dựng hạ tầng và bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa bàn giao.

Tại Khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Sudico được giao đất và quy hoạch từ hơn 10 năm trước.

Trong khi nhà thương mại đã được bán, đưa vào sử dụng thì phần diện tích đất công cộng CX1 với diện tích hơn 4.500m2 vẫn đang bỏ trống.

Ông Trịnh Văn Quế, Chủ tịch phường Mỹ Đình 1 cho biết, chủ đầu tư mới giao cho phường được 2.000m2, phường đã xây dựng nhà văn hoá từ năm 2017, phần diện tích còn lại chưa bàn giao.

Bản thân ông đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo phần diện tích cây xanh chưa bàn giao, nhưng chủ đầu tư chỉ trả lời đang làm thủ tục báo cáo thành phố.

Bên cạnh các dự án làm dang dở, có cả những dự án bỏ hoang. Đơn cử như khu đô thị Tiến Xuân (Sudico Tiến Xuân) tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất do Công ty TNHH MTV Sudico Tiến Xuân, đơn vị thành viên 100% vốn của Sudico làm chủ đầu tư.

Dự án có diện tích 1.200ha, quy mô vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án này được tỉnh Hoà Bình giao cho chủ đầu tư từ năm 2008, trước khi được sáp nhập về 2 huyện Thạch Thất, Quốc Oai của Hà Nội.

Đến nay, sau 13 năm giao đất, dự án vẫn là cánh đồng lúa. Với việc dự án “treo” nhiều năm đã khiến hàng trăm hộ dân nằm trong vùng quy hoạch không thể xây dựng nhà ở mới và vay vốn sản xuất.

Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho hay, trong tổng số diện tích 1.200ha xã Tiến Xuân có khoảng 300ha, thuộc địa giới hành chính của 4 thôn.

Những hộ dân trong 4 thôn này đã được cấp sổ đỏ từ năm 1994 song đến nay không thể mang đi thế chấp ngân hàng vay vốn sản xuất, mua bán chuyển nhượng, tách thửa cho con cái được.

“Địa phương đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần nhưng chưa được tháo gỡ. Khi chưa có quyết định thu hồi thì địa phương và người dân vẫn phải thực hiện theo quy hoạch”, ông Long nói.

“Không hiệu quả, không nên cấp phép dự án mới”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Thạch Quang Khải, Phó phòng Kinh tế kinh doanh của Sudico cho hay, Dự án Sudico Tiến Xuân đang làm theo quy định của thành phố về quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.

Tương tự tại dự án Văn La, Văn Khê, ngoài điều chỉnh quy hoạch phân khu còn liên quan đến điều chỉnh đường điện chạy qua dự án.

Về Sudico An Khánh, ông Khải xác nhận, đến nay dự án vẫn chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật về cho địa phương quản lý. Nguyên nhân là do nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, đấu nối như hạ tầng đường nước, hạ tầng giao thông...

Lý giải nguyên nhân nhiều nhà xây thô “đắp chiếu”, ông Khải cho hay, những khu nhà trên đã được Sudico chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát.

Nhà đầu tư thứ phát sẽ làm việc với TP Hà Nội. Những căn hộ đã xây thô, bán cho khách hàng thì phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Sudico An Khánh đã chậm trễ hơn chục năm so với kế hoạch nhưng đến nay, ông Khải cũng không thể biết khi nào mới hoàn thành tổng thể tất cả dự án.

“Có thể là vài năm nữa, phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường và thời gian hoàn thiện từng dự án riêng lẻ”, ông Khải nói và cho rằng, không thể quy định trong hợp đồng về giới hạn thời gian hoàn thiện nhà vì khách hàng đã mua nhà là quyền của họ, nếu hoàn thiện mà không ở cũng gây lãng phí.

Dưới góc độ chuyên gia, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.

Trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó.

“Chính vì thế, đứng về mặt đô thị thì phải hoàn thiện nhà. Còn việc khai thác, sử dụng, ở hay không hiện nay chưa có quy định. Để xác định dự án có bị chậm tiến độ hay không thì chỉ cần xem giới hạn về thời gian hoàn tất dự án trong quyết định thành phố đã phê duyệt”, ông Nghiêm cho hay.

Luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng văn phòng Luật sư Đặng Sơn (Hoàng Mai) nêu quan điểm, trong khâu thẩm định dự án, đều phải chứng minh được vai trò của dự án đối với kinh tế, chính trị, xã hội. Phần kết luận phải đánh giá được đầu tư dự án là cần thiết.

“Nếu dự án bỏ hoang, không đưa vào sử dụng chứng tỏ hoạt động đầu tư không hiệu quả, không đúng đối tượng, ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống xã hội của nhân dân. Như vậy thì cần phải đánh giá lại, xem xét có nên cho những chủ đầu tư này đầu tư những dự án mới nữa không?”, ông Sơn nêu.

Trước đó, Sở TN&MT Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai từ năm 2018 đến nay.

Trong số dự án chậm tiến độ, đề xuất thu hồi có tên dự án khu đô thị Tiến Xuân (Sudico Tiến Xuân).

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn đang xây dựng kế hoạch, chưa cụ thể.

Điều này có nghĩa, khi dự án chưa được thu hồi, những người dân nằm trong quy hoạch cũng vẫn bị “treo” về quyền lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.