Xã hội

Loạt sự kiện thu hút du lịch, xúc tiến đầu tư dịp 90 năm lập tỉnh Gia Lai

19/04/2022, 20:53

Loạt sự kiện thu hút du lịch, xúc tiến đầu tư và quảng bá tiềm năng lợi thế của tỉnh Gia Lai sẽ được tổ chức từ ngày 19/5 đến ngày 25/5.

Ngày 19/4, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuộc họp báo công bố Tuần lễ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022).

img

Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ là điều kiện quan trọng giúp tỉnh Gia Lai bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái ở khu vực này đồng thời mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.Ảnh: ttxvn

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, "Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai là sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của tỉnh, được tổ chức từ ngày 19/5 đến ngày 25/5 sắp tới".

Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động chính, như: Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu của tỉnh; Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên" với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai"; Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Gia Lai; Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai - Nhật Bản 2022”; Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022.

Theo thông cáo báo chí của tỉnh Gia Lai. Trong thời gian qua, tỉnh này đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư như: Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư đến với các doanh nghiệp; xây dựng các video clip; Tọa đàm, đối thoại quy mô nhỏ…v.v.

Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu nghiên cứu và khảo sát.

Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá danh mục, tiềm năng thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Website, báo chí, các video clip… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất dự án, nhằm phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.

Tỉnh cũng chủ động giảm 20% chi phí dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp trên địa bàn.

Luôn đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp lên hàng đầu, hỗ trợ nhà đầu tư trong các thủ tục hành chính như: Tư vấn thủ tục đầu tư, hỗ trợ cấp phép trong thời gian nhanh nhất, giới thiệu địa điểm và trong suốt quá trình đầu tư của doanh nghiệp như: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng dẫn trình tự thực hiện các quy trình đầu tư cũng như cùng doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh chóng, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng vẫn trong phạm vi quy định của pháp luật.…

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai cho biết, vừa qua tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 danh mục kêu gọi FDI danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19 đoạn từ ngã ba cầu Bà Di (Bình Định) đến TP Pleiku (Gia Lai); Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya; Dự án khu Nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh đã liên hệ với Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư.

Cùng với việc khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, công nghiệp, ngành du lịch tỉnh Gia Lai cũng đang được đánh thức sau "giấc ngủ dài”.

Ở độ cao 700 - 800m với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà đã mang đến cho Gia Lai những thắng cảnh thiên nhiên được mệnh danh là tuyệt tác giữa đại ngàn như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác 50, núi lửa Chư Đăng Ya, quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng Đạo là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá ở xã Xuân An và phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích quốc gia (là 1 trong 10 điểm trên thế giới có di tích của người đứng thẳng với niên đại 80 vạn năm cách ngày nay).

Và hệ sinh thái động thực vật phong phú mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại cao nguyên Kon Hà Nừng - nơi vừa được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới rộng hơn 65.000 ha.

Bên cạnh lợi thế nổi bật về tự nhiên, văn hóa của 2 tộc người chiếm số đông tại Gia Lai là Jrai và Bahnar thực sự độc đáo, thể hiện rõ nét qua phong tục, tập quán, kiến trúc, lễ hội…, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhiều phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, kết hợp cùng chuỗi di tích lịch sử đã tạo nên những thế mạnh riêng để Gia Lai phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của tỉnh đã được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm, là cơ hội tốt để nâng cao mức sống của người dân.

Tỉnh Gia Lai đặt ra 1 trong 4 nhiệm vụ trọng tâm cho toàn tỉnh đó là “đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch”; hướng tới khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên.

img

Quang cảnh buổi họp báo.

Đối với lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai, đón nhận và công bố di sản thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của tỉnh: Được tổ chức vào đêm 21/5 tại trung tâm thành phố Pleiku.

Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”: Diễn ra vào ngày 21/5 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên và kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Gia Lai". Đây là hoạt động nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng; tạo điều kiện để các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Gia Lai; Chương trình “Gặp gỡ Gia Lai - Nhật Bản 2022”: Diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/5 với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu trong nước và quốc tế; với chuỗi các hoạt động đa dạng nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh và làm sâu sắc mối quan hệ giữa tỉnh Gia Lai với các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương nước ngoài nói chung, với Nhật Bản nói riêng.

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên - Gia Lai và giao thương doanh nghiệp Nhật Bản năm 2022: Được tổ chức từ ngày 20/5 đến hết ngày 24/5/2022 tại trung tâm thành phố Pleku. Đây là Hội chợ triển lãm thương mại cấp quốc gia do tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Hội chợ triển lãm sẽ được tổ chức với quy mô lớn, công phu, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Nhật Bản, giới thiệu nhiều sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai còn tổ chức tham quan, giới thiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng - Khu vực hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên, sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh và cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Tổ chức các tour du lịch sinh thái, tham quan các di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của tỉnh....

Nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên hùng vĩ, Gia Lai có diện tích tự nhiên 15.510,13 km2, lớn thứ 2 cả nước, dân số trên 1.541.152 người, trên 44 dân tộc cùng sinh sống; đồng bào các dân tộc có bề dày truyền thống lịch sử và mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên….

Tỉnh có 14 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố với 220 xã, phường, thị trấn; có hệ thống giao thông đường bộ tương đối thuận lợi để kết nối với bên ngoài theo các hướng Đông, Tây, Bắc, Nam, Đông Nam; theo hướng Bắc - Nam có Quốc lộ 14, 14C, theo hướng Đông - Tây có Quốc lộ 19 nối cảng biển Quy Nhơn đến cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Quốc lộ 25 đi Phú Yên, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có đường Trường Sơn Đông; có Cảng hàng không Pleiku kết nối với các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh; có cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh kết nối với Ratanakiri - Vương quốc Campuchia... đây là những điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và phát triển lâu dài.

Gia Lai với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có vị trí chiến lược rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của vùng Tây Nguyên, cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Campuchia và Lào. Gia Lai có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển; có vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, địa hình đồi núi, cao nguyên và thung lũng đồng bằng nằm xen kẽ nhau, hình thành khí hậu đặc trưng riêng của mỗi khu vực. Đây là lợi thế hiếm có mà ít địa phương nào có được để phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, phát triển đa dạng các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. G

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.