Vận tải

Loay hoay kết nối với bến xe

27/11/2019, 06:34

Mục tiêu “điện tử hóa” của nhiều bến xe mới chỉ khu trú trong phạm vi bến nhỏ hẹp, sự tương tác với hành khách vẫn theo lối mòn.

img
Xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh minh họa)

Cuối tháng 11/2019, một người bạn của tôi mang nỗi bực dọc chia sẻ với hội đồng môn trong buổi hẹn hò cuối tuần. Bạn kể: Ngày 20/11, mình có chuyến công tác từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Đặc thù xe về Hải Phòng giờ có hai loại: Xe đi đường cao tốc 5B mới chỉ di chuyển khoảng 1,5 tiếng là về đến Hải Phòng và xe đi hướng QL5 cũ thường phải mất nhiều thời gian hơn (3 - 4 tiếng).

Bạn tôi kể đã lên mạng tìm kiếm tuyến xe đi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và bị lạc vào một “rừng” thông tin trên những website như: xeca.vn, vexere.com, oto-xemay.vn... Để chuyến đi được suôn sẻ, đảm bảo thời gian hẹn với đối tác, mình lại thao tác tìm website chính thức và số điện thoại bến xe để tra cứu chính xác và không phải liên hệ quá nhiều nhà xe.

Lạ thay, tất cả các bến có xe đi Hải Phòng như: Giáp Bát, Yên Nghĩa, Gia Lâm… đều không có một trang web để cung cấp cho người dân những thông tin như: Tuyến xe chạy, lộ trình di chuyển, thời gian di chuyển, giá vé… Đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho hành khách cũng không hề xuất hiện. “Sau gần một tiếng không thể tìm ra một kênh “nhờ vả” bến xe, mình quyết định liên hệ xe limousine đưa đón tận nơi để không bị lỡ việc”, bạn tôi nói.

Nhiều người có mặt ở đó tỏ ý đồng cảm với bạn tôi và cho biết, chính vì sự bất tiện này mà từ lâu, họ đã bỏ thói quen đến bến xe truyền thống để ra ngoại tỉnh.

“Đa số bến xe đều kêu than mất khách vì xe limousine nhưng nếu đặt lên “bàn cân”, bến xe đang tồn tại vô số bất cập như: Nhà xe chèo kéo, an ninh lộn xộn, hành khách ra bến vẫn chịu cảnh “lu lèn”, chèn ép quá số người quy định. Trong khi đó, xe hợp đồng thì đầy đủ từ việc tư vấn, tương tác bằng nhiều kênh (hotline, facebook…) đến dịch vụ đón tận nơi, trả tận chỗ”, một người bạn khác thẳng thắn nói.

Nghe xong câu chuyện, tôi nhớ đến giai đoạn 2016 - 2017, 5 bến xe trọng điểm của Hà Nội đồng loạt tỏ rõ quyết tâm hình thành mô hình “bến xe điện tử”, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, công bố thông tin luồng tuyến đến khách hàng.

Song, thời điểm hiện tại, mục tiêu “điện tử hóa” ấy mới chỉ khu trú trong phạm vi bến nhỏ hẹp, sự tương tác với hành khách vẫn theo lối mòn là nhìn tận nơi, giải đáp tận chỗ và thiếu tính “mở” trong thời đại 4.0. Người dân vẫn phải loay hoay hàng tiếng đồng hồ trên những kênh thông tin không chính thống để tìm cho mình một chuyến xe phù hợp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.