Văn hóa - Giải Trí

Loay hoay tìm lời giải cho di tích thành Điện Hải

25/12/2017, 07:51

Những công trình cao tầng đang lấn át sự toàn vẹn của di tích thành Điện Hải...

25

Di tích thành Điện Hải lâu nay bị xâm hại nghiêm trọng

Di tích bị xâm hại

Những ngày này, TP Đà Nẵng đang cho giải tỏa nhiều nhà dân sinh sống dọc các hướng của tường thành Điện Hải (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng), di dời các hộ dân ra các khu tái định cư. Ở hướng Tây thành Điện Hải, trên khu đất rộng hàng trăm m2 này trước đây nhà dân mọc dày đặc chen sát tường thành.

Mới đây, trực tiếp đi thăm di tích, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về di sản văn hóa đã bày tỏ sự đau xót khi chứng kiến thành Điện Hải bị xâm hại trầm trọng. Theo GS. TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng, một công trình kiên cố cao tầng với kiến trúc hiện đại nằm ngay trong khu vực bảo vệ 1 tại khuôn viên thành Điện Hải; tòa nhà Công viên phần mềm, tòa nhà Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng và Trung tâm thể dục, thể thao người cao tuổi xây dựng ở khu vực 2 của thành Điện Hải là sự vi phạm nặng nhất đến tính toàn vẹn của di tích.

Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Pháp có một số bản đồ thành Điện Hải, trong đó có một bản đồ vẽ nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương. “Tuy nhiên không còn cơ hội để phục dựng nguyên trạng chiến lũy Nguyễn Tri Phương, bởi sự án ngữ của Trung tâm Hành chính mà không biết đến khi nào mới di dời, giải tỏa được”, ông Mai cho hay.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, thành Điện Hải là di tích hiếm hoi còn lại từ buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược nước ta, là biểu tượng về lòng yêu nước, đức hy sinh của người dân Đà Nẵng. Tiếc rằng, một thời gian dài, di tích này bị xâm hại nặng nề, xuống cấp nghiêm trọng.

Di dời bảo tàng để cứu di tích

Theo Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng, đầu năm 2017, lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, di dời 80 hộ dân sống xung quanh bờ tường phía Tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm lưu trữ ở phía Bắc và phê duyệt Luận chứng KT-KT trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải gồm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2017-2019) GPMB, di dời toàn bộ số hộ dân ra khỏi thành Điện Hải, tháo dỡ các yếu tố kiến trúc không nguyên gốc, phục hồi kè, hào như nguyên trạng, xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe… tạo không gian đệm cho di tích. Giai đoạn 2 (2019 - 2021) di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành gồm những công trình đã có ở thành trong lịch sử như: Nhà kho, kho thuốc súng, kỳ đài, vọng lâu… và nghiên cứu xây dựng không gian tưởng niệm các anh hùng, nghĩa sĩ đã hy sinh, xây dựng các khu phụ trợ phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích.

“Hy vọng rằng, sau khi trùng tu và tôn tạo, thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ đỏ trên mạng lưới các di tích văn hóa - lịch sử của thành phố, là một điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa khi đến thành phố bên sông Hàn này”, ông Hùng nói.

Theo Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, dấu quách bên ngoài của thành cổ vẫn còn rất rõ. Năm 2014, khi mở rộng một công trình có phát hiện phần móng của thành ngoài. Cần nhanh chóng triển khai một cuộc khai quật khảo cổ để xem diện mạo thành và tìm súng thần công trong lòng đất, phục vụ trưng bày.

GS.TS. Trương Quốc Bình cũng cho rằng, trong thời gian tới nên tập trung mọi nỗ lực để triển khai giải tỏa, đền bù các hộ dân phía Tây thành Điện Hải, tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước, phục dựng lại một số công trình thiết yếu khi xưa như: Nhà chỉ huy, trại lính, tháp canh, vị trí đặt súng thần công.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, Hội đồng Di văn văn hóa quốc gia gồm 25 giáo sư đầu ngành văn hóa - lịch sử đã bỏ phiếu 100%, thống nhất đề nghị Thủ tướng ra Quyết định công nhận thành Điện Hải là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Tại Kỳ họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng vừa qua, ông Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lưu giữ các di tích ít ỏi còn lại của Đà Nẵng, đừng để Đà Nẵng mang tiếng là “thành phố không ký ức”.

Theo ngành chức năng Đà Nẵng, thành Điện Hải (trước là đồn Điện Hải) được hoàn thành vào năm 1813 (Gia Long thứ 12), nằm gần phía biển để kiểm soát tàu thuyền ra - vào và trấn giữ Đà Nẵng. Thành có chu vi 139 trượng (khoảng 556m), cao 1 trượng 2 thước (khoảng 5m), xung quanh là hào sâu 7 thước (khoảng 3m). Đây là di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong những năm 1858 - 1860, khi Pháp lần đầu nổ súng xâm lược Việt Nam.

Sau năm 1975, Xí nghiệp Dược Trung ương V đã sử dụng thành làm nhà xưởng chế biến thuốc tân dược. Năm 1988, thành Điện Hải được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm bảo tồn, gìn giữ, nên nhiều đoạn tường và hào, rãnh phía Bắc và phía Tây Nam đã bị đập phá để mở đường vận chuyển thuốc và xây nhà kho…

Năm 2004, chính quyền TP Đà Nẵng cho trùng tu, tôn tạo bước đầu di tích. Đến năm 2007, UBND TP Đà Nẵng đã cho xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng trên thành Điện Hải, đập bỏ các dãy nhà kho của Xí nghiệp Dược Trung ương V. Từ một di tích quan trọng, thành Điện Hải có nguy cơ trở thành một phế tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.