Bất động sản

Loay hoay xử lý đất xen kẹt tại Hà Nội

22/03/2021, 06:31

Mặc dù Hà Nội đã ra hàng loạt văn bản hướng dẫn chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt trong các khu dân cư song địa phương vẫn loay hoay xử lý...

img

Khu đất xen kẹt nằm lọt thỏm trong vùng dân cư tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng

Vòng luẩn quẩn xử lý đất kẹt

Xưởng Mắc (cụm 6, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) được chính quyền địa phương nhắc tới như một điển hình đất nông nghiệp xen kẹt tồn tại nhiều năm chưa có hướng giải quyết. Khu đất rộng cả nghìn m2 mằm lọt thỏm giữa làng, một số hộ “đánh liều” xây nhà, làm xưởng, số còn lại hiện là bãi nước tù, sình lầy.

Chỉ vào ngôi nhà tạm lợp fibro - ximăng đã xuống cấp, bà Nguyễn Thị Đan, cư dân ở đây cho hay: “Làm tạm để ở chờ sổ đỏ nhưng chờ mãi không biết tới bao giờ”.

Được biết, năm 2017, sau khi Hà Nội có hướng dẫn chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư sang đất ở, xã Tân Lập đã rà soát, lập danh sách 600 hộ dân gửi lên huyện xem xét nhưng hầu hết không đủ tiêu chí, chỉ còn lại 8 hộ được chuyển đổi.

“Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, vận động, 8 hộ dân này cho biết “không đủ tiền đóng thuế” nên tới nay, xét điều kiện mới thì cả 8 hộ trên đều không đủ điều kiện chuyển đổi”, một cán bộ địa chính xã cho hay.

Cụ thể, theo Quyết định số 24/2018 của UBND TP Hà Nội, đất xen kẹt trong khu dân cư thuộc diện chuyển đổi sang đất ở phải đáp ứng điều kiện “không tiếp giáp với thửa đất nông nghiệp khác”.

“Lịch sử từ năm 1987, chính quyền không rũ ra chia lại đất phần trăm nên đất nông nghiệp xen kẹt trong dân cư hiện còn rất nhiều.

Những khu đất này lại gồm nhiều mảnh tiếp giáp nhau, trong khi đó quy định của thành phố cứ 2 thửa đất nông nghiệp nằm cạnh nhau thì không được chuyển đổi. Vậy nên nhà nọ vướng nhà kia, tạo ra vòng luẩn quẩn, không thể xử lý”, vị cán bộ nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, trên địa bàn hiện có 188 khu đất nông nghiệp xen kẹt, bao gồm khoảng 1.000 thửa đất đã hình thành lối đi, đáp ứng cơ sở hạ tầng giao thông, đủ điều kiện hình thành thửa đất ở mới, phù hợp kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng của huyện đã được thành phố phê duyệt.

Chính vì thế, để tránh phát sinh vi phạm sử dụng đất nông nghiệp, tăng thu ngân sách, tháng 6/2020, UBND huyện Đan Phượng đã có tờ trình gửi UBND TP cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các khu đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư.

Theo đó, thay vì xét điều kiện từng mảnh đất, huyện đề xuất phương án xét cả khu đất xen kẹt đủ điều kiện hình thành đất ở mới để chuyển đổi cho người dân. Tuy nhiên, tới nay, văn bản này vẫn chưa được hồi âm.

Theo ước tính, toàn huyện Đan Phượng có khoảng 200 nghìn m2 đất xen kẹt, nếu đem áp mức thuế bình quân chuyển đổi khoảng 3 triệu đồng/m2, đồng nghĩa ngân sách huyện sẽ thu về khoảng 600 tỷ đồng.

Cách nào gỡ khó?

Không chỉ có Đan Phượng, tại nhiều huyện ngoại thành khác của Hà Nội, nhu cầu chuyển đổi đất nông nghiệp xen kẹt sang đất ở cũng rất lớn song không được giải quyết. Mang vấn đề này hỏi Sở TN-MT Hà Nội, nhưng với rất nhiều lần đặt lịch hẹn, PV chỉ nhận được cuộc trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo đơn vị.

“Thành phố đã có các văn bản hướng dẫn, việc thực hiện hoàn toàn thuộc thẩm quyền lãnh đạo các quận, huyện”, vị lãnh đạo nói.

Tuy nhiên, về phía địa phương, một cán bộ địa chính huyện ngoại thành lại chia sẻ: “Đất xen kẹt hiện rất phức tạp và nhạy cảm, nếu làm không chặt chẽ là vi phạm ngay.

Mặc dù luật đã có nhưng quy định rất rộng, khó có thể áp dụng vào đặc thù, lịch sử tồn tại của mỗi địa phương. Chính vì thế, những năm gần đây, chính quyền rất hạn chế cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt, cả năm may ra huyện chỉ duyệt được 1 - 2 hồ sơ”.

Theo bà Thái Thị Quỳnh Như, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, ngoài yếu tố khách quan trong quá trình đô thị hóa, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đất xen kẹt là bởi quy hoạch không mang tính đồng bộ, quản lý Nhà nước về đất đai lỏng lẻo, một thời gian dài buông lỏng quản lý khiến cho tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái pháp luật gia tăng.

Trước thực trạng trên, bà Như đề xuất, đối với các thửa đất nông nghiệp xen kẹt có diện tích lớn hơn 1.000m2, UBND quận, huyện nên thu hồi, cưỡng chế, tạo quỹ đất sạch để thực hiện các dự án phục vụ mục đích công cộng.

Đối với phần diện tích nhỏ lẻ sau GPMB, cần tuyên truyền, vận động để hợp khối. “Trường hợp này cần có những chế tài quy định riêng ưu đãi đối với những trường hợp xin hợp khối, để đảm bảo tương ứng giữa nghĩa vụ tài chính và hiệu quả kinh tế khu đất mang lại”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.