Y tế

Lợi đủ đường khám chữa bệnh từ xa

07/07/2020, 06:05

Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

img
Một buổi khám chữa bệnh từ xa ở đầu cầu bệnh viện Nhi T.Ư

Sau dịch Covid-19, hình thức khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) chính thức khởi động, kết nối các bệnh viện tuyến đầu như Nhi T.Ư, ĐH Y Hà Nội tới các bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến dưới, ở vùng sâu, vùng xa.

Trợ giúp từ tuyến trên khi tuyến dưới “bí”

Trong buổi khám chữa bệnh từ xa mới đây tại BV Nhi T.Ư, kết nối với 5 địa phương, nhiều ca bệnh nặng khiến các y bác sĩ tuyến dưới “bí” trong xử trí điều trị đã được bệnh viện tuyến đầu giúp “cầm tay, chỉ việc”.

Cụ thể với ca trẻ mới 23 ngày tuổi bị bệnh lý hẹp van động mạch, được các bác sĩ Quảng Ninh phẫu thuật với sự hướng dẫn của bác sĩ BV Nhi T.Ư thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ BV Nhi T.Ư chỉ định can thiệp nong van động mạch phổi bằng bóng qua da.

Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm cho thấy bệnh nhi bị hẹp phổi bất thường, đường ra thất phải bị lệch. Khi đưa dây dẫn vào rất khó do thân động mạch phổi ngắn, van động mạch phổi dày và áp lực động mạch phổi lớn.

Toàn bộ hình ảnh từ ca mổ được truyền trực tiếp về đầu cầu BV Nhi T.Ư để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Cuối cùng ca mổ diễn ra thành công.

Một bệnh nhi khác, 13 tháng tuổi, ở Phú Thọ, mắc teo thực quản bẩm sinh, đã được phẫu thuật. Bốn tháng gần đây, trẻ nôn liên tục 8 - 10 lần một ngày, thiếu máu nghiêm trọng, mệt nhiều, viêm phổi nặng. Sau khi xem xét kỹ các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ BV Nhi T.Ư chỉ định bệnh nhân phẫu thuật sớm để tạo hình thực quản.

Theo PGS. Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi T.Ư, trước đây các ca khó như vậy đều phải chuyển tuyến Trung ương để can thiệp. Nay sử dụng hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, bệnh nhân ở tuyến dưới đều có thể được hội chẩn, khám chữa bệnh từ các bác sĩ tuyến Trung ương.

Cũng trong buổi khám chữa bệnh từ xa sáng 30/6, từ BV ĐH Y Hà Nội kết nối với các đầu cầu là các bệnh viện tuyến dưới giúp xử trí trong chẩn đoán và điều trị cho các ca bệnh khó.

Tại BV huyện Tân Uyên, tỉnh Điện Biên, báo cáo lên 1 ca bệnh nhi 36 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng co giật nửa người, đã được cấp cứu, giảm co giật nhưng có dấu hiệu hôn mê.

Qua xét nghiệm chụp chiếu có thêm kết quả tổn thương phổi. Được gia đình cho biết, trước đó, cha của trẻ có cho con uống thuốc lá dân tộc, các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ ngộ độc và “cầu cứu” tuyến trên hỗ trợ chẩn đoán, điều trị.

Sau khi xem toàn bộ các kết quả chiếu, chụp cũng như hỏi lại các dấu hiệu lâm sàng của bệnh nhân và hội chẩn, các bác sĩ BV ĐH Y Hà Nội đã kết luận, bệnh nhi không phải ngộ độc, mà nguy cơ cao viêm não, màng não… Tuy nhiên, ca bệnh này vượt qua khả năng điều trị của tuyến huyện nên chuyển cấp cứu lên BV Nhi T.Ư để kịp thời cứu chữa.

Cùng đó nhiều ca bệnh ở các đầu cầu khác cũng đã được đội ngũ y bác sĩ của BV ĐH Y Hà Nội cùng hội chẩn và tìm phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.

Giảm tải tuyến trên, tăng chất lượng điều trị tuyến dưới

GS. Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, Telehealth cho phép hội chẩn cùng lúc rất nhiều điểm cầu, ngoài tư vấn, hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ ở nhiều đầu cầu có thể xem trực tiếp hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, nhịp tim, huyết áp, soi tai mũi họng, các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân... để có những đánh giá chuẩn xác.

Hình thức khám chữa bệnh này cũng cho phép bệnh nhân kết nối trực tiếp với bác sĩ, đặt lịch khám, xem lại lịch sử điều trị, đọc các chỉ định của bác sĩ.

“Mô hình khám chữa bệnh từ xa đặc biệt có ý nghĩa với các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện vùng sâu, vùng xa. 4 cái lợi lớn mang lại từ cách thức này chính là giúp tuyến dưới giữ chân được bệnh nhân; tuyến trên không bị quá tải; bác sĩ tuyến dưới nâng cao được trình độ; bệnh nhân được khám bệnh chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí đi lại”, ông Hải chia sẻ.

PGS. TS. BS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng cho rằng, nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị còn chưa được nâng cao về chuyên môn.

“Hiện chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy. Telehealth sẽ là một công cụ hỗ trợ. Nó không thể thay thế tuyệt đối nhưng sẽ hỗ trợ cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỷ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện cơ sở, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện Trung ương. Đặc biệt là giảm tỷ lệ tái khám của người bệnh”, BS. Hiếu cho biết.

Đánh giá về lợi ích mang lại cho bệnh viện tuyến dưới khi tham gia khám chữa bệnh từ xa, BS. Vi Hồng Kỳ, Giám đốc BV Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Tại mỗi buổi này, chúng tôi được các thầy tuyến trên hỗ trực tiếp với bệnh nhân cụ thể, trong khi chúng tôi khó khăn về phương hướng điều trị.

Bên cạnh đó, còn được cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục, các phương pháp điều trị mới. Còn người bệnh được hội chẩn trực tiếp, nên dù điều trị tại địa phương nhưng vẫn được tiếp cận với các phương pháp điều trị, chẩn đoán từ bác sĩ Trung ương. Điều này giúp bệnh nhân yên tâm hơn trong điều trị”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.