Y tế

Lợi đủ đường nhờ khám, chữa bệnh từ xa

22/12/2020, 07:05

Nhờ các buổi khám, chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nặng đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên.

img

Một buổi hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nằm viện tuyến dưới được bác sĩ tuyến trên “thăm khám”

Ca mổ tim đầu tiên của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Phú Thọ được thực hiện qua tư vấn, điều hành khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) của BV Tim Hà Nội. Đó là trường hợp bệnh nhân 4 tuổi rưỡi ở Phú Thọ bị thông liên thất dưới 2 động mạch chủ, có tiền sử chậm tăng cân, thể trạng gầy gò (chỉ nặng 12,5kg), viêm phổi, viêm phế quản tái diễn nhiều lần.

Sau khi nắm chắc bệnh án, trao đổi trực tuyến với kíp mổ, chuyên gia của BV Tim Hà Nội đã đề nghị kíp mổ BVĐK tỉnh Phú Thọ tiến hành mổ mở.

Ngay lập tức, các bác sĩ của BVĐK tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhi đến phòng phẫu thuật. Toàn bộ hình ảnh được truyền trực tiếp từ phòng phẫu thuật BVĐK tỉnh Phú Thọ về đầu cầu BV Tim Hà Nội để các bác sĩ cùng theo dõi, hướng dẫn xử trí từng bước. Sau hơn 1 tiếng, ca can thiệp tim mạch đã thành công.

Còn tại BVĐK huyện Mộc Châu (Sơn La), một ca sinh non chuyển dạ 28 tuần tuổi ở huyện Yên Châu được gia đình đưa đến BVĐK huyện Mộc Châu bằng taxi.

Tuy nhiên trên đường đi, bệnh nhân chuyển dạ, mẹ chồng bệnh nhân đã đỡ đẻ cho con dâu ngay trên xe. Khi mẹ con sản phụ vào nhập viện, cháu bé trong tình trạng tím tái, suy hô hấp. Đây là một ca hết sức khó vì trẻ sinh non nhiều tháng, nặng 1,1kg.

Các bác sĩ của BVĐK huyện Mộc Châu đã tiến hành cấp cứu, đồng thời thiết lập cuộc hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa với các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội về phương hướng điều trị tiếp theo, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhi và các nguy cơ xảy ra.

Nhờ hướng dẫn chế độ dinh dưỡng đặc biệt của các bác sỹ tuyến trên, sau gần 1 tháng điều trị, cháu bé ra viện với cân nặng 2kg.

“Đây là trường hợp người bệnh được hưởng lợi nhờ khám, chữa bệnh từ xa”, ThS. BS. Vũ Giang An, Phó giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu cho biết.

TS. Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế đã được ngành y tế triển khai hơn 5 tháng, từ 28 BV hạt nhân ban đầu của đề án, đến nay đã mở rộng lên 34 BV. Đến thời điểm này đã có hơn 1.300 điểm cầu kết nối khám, chữa bệnh từ xa.

Lợi đôi đường nhờ khám, chữa bệnh từ xa

Là bệnh viện đầu tiên ứng dụng Telehealth trong mùa dịch Covid-19, PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, từ 2 BV ban đầu là BVĐK huyện Mường Khương (Lào Cai), BVĐK huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), sau 8 tháng đã có 188 cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã và 3 BV của Lào, Campuchia, Hàn Quốc tham gia.

Tại các buổi hội chẩn, tại điểm cầu BV Đại học Y Hà Nội thường có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, hồi sức, ung bướu, dinh dưỡng, huyết học, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh... để có thể sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ mọi nhu cầu của thầy thuốc tuyến dưới về các ca bệnh khác nhau.

“Nhờ Telehealth, nhiều bệnh nhân nặng đã được cứu sống, khi các chuyên gia của BV Đại học Y Hà Nội cùng các bác sĩ tuyến dưới hội chẩn, đưa ra hướng xử lý chính xác và kịp thời. Bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh ngay tại tuyến dưới, không phải vất vả lên tuyến trên”, BS. Phạm Thị Bích Đào chia sẻ.

Song hành cùng với hội chẩn cho bệnh nhân, tại các buổi Telehealth, các chuyên gia ở bệnh viện hạt nhân còn có các báo cáo chuyên đề, cập nhật kiến thức của các chuyên ngành cho cán bộ y tế tuyến dưới với các chủ đề, chuyên khoa khác nhau: Ngoại tiết niệu, tim mạch, ung thư, can thiệp chẩn đoán hình ảnh, ngoại chấn thương, sức khỏe tâm thần, nội tiết…

Vì thế, Telehealth “lợi ích nhân đôi”, không chỉ giúp các bác sĩ tuyến dưới có hướng xử lý ngay với từng bệnh nhân, mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, mà còn giúp các bác sĩ tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của ngành y tế.

ThS. BS. Vũ Giang An, Phó giám đốc BVĐK huyện Mộc Châu cho biết, nhờ tham gia đề án, bệnh nhân tại đây được các chuyên gia đầu ngành của BV Đại học Y Hà Nội hội chẩn trực tiếp các ca bệnh và có hướng điều trị phù hợp nhất.

Thông qua các buổi hội chẩn trực tuyến, không chỉ các bác sỹ ở BV được học hỏi, cập nhật kiến thức, được tiếp cận với những mặt bệnh mà trước đó các bác sỹ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Người bệnh khi được các bác sỹ tuyến trên trực tiếp hội chẩn yên tâm hơn khi ở lại BV điều trị.

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh Covid-19 và Tết Nguyên đán đang tới gần, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện hạt nhân tiếp tục duy trì và phát huy đề án khám, chữa bệnh từ xa để nâng cao trình độ của cán bộ y tế tuyến cơ sở và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.